ĐƯỜNG VỀ QUÁ XA
Bài viết này để tưởng nhớ đến Walter E. Demsey cùng với phi hành đoàn: George Berg, Gerald Woods, Gary Johnson, Ronald Watson và Allen Lloyd
CHUYỆN XẨY RA
Câu chuyện bắt đầu ngày 18 tháng Hai năm 1971. Phi hành đoàn trực thăng (SOG) đang đóng quân chung với phi đoàn Comencheros (trực thuộc sư đoàn 101 ND) trong căn cứ Eagle của sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ. Phi hành đoàn hôm đó gồm có: phi công George Berg, phi công phụ Gerald Woods, cơ khí trưởng Walter Demsey và xạ thủ đại liên Gary Johnson.
Hôm đó, chiếc trực thăng UH-1H phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương của đơn vị SOG ở Phú Bài, bay đi “bốc” một toán biệt kích hoạt động ở phiá bên kia biên giới Lào Việt. Toán biệt kích xâm nhập để dò thám, lấy tin tức về các hoạt động của quân đội Bắc Việt trên đường mòn HCM. Đang dò thám con đường, họ trông thấy một người lính Bắc Việt đang đạp xe, chở giấy tờ, tài liệu nên nổ súng giết người lính để lấy cặp tài liệu.
Tiếng súng làm cho đơn vị Bắc Việt trong khu vực báo động và truy kích toán biệt kích. Toán biệt kích gọi máy yêu cầu triệt xuất khẩn cấp. Bốn trực thăng bay vào, cứu được mấy người đem về Phú Bài, nhưng vẫn còn ba biệt kích quân đang lẩn trốn trong khu vực. Chiếc trực thăng của bạn tôi quyết định bay vào “bốc” chuyến chót, để cứu những biệt kích quân còn kẹt dưới đất.
Trời đã xâm xẩm tối, những tia nắng cuối cùng trong ngày từ từ tan biến đi và thời tiết trở nên xấu, nhiều đám mây ở đâu kéo đến. Chiếc trực thăng hạ thấp cao độ, bay vào một triền núi nơi hướng đông thung lũng A Shau, trên đất Lào. Ba quân nhân LLĐB/HK trong toán biệt kích đơn vị SOG còn kẹt trong lòng địch gồm có: Ronald Watson, Allen Lloyd, và Sam Hernandez. Vì địch quân đuổi theo sát nút, trực thăng thả dây cấp cứu McGuire xuống cho ba quân nhân Hoa Kỳ ngồi vào, rồi bốc lên cao trước những loạt đạn tiểu liên AK-47.
Chiếc trực thăng bị trúng nhiều đạn AK-47, cố bay trở về phần đất Việt Nam, kéo theo ba người lính Hoa Kỳ đeo lủng lẳng trên dây cấp cứu McGuire. Trong lúc vội vã, cất cánh, mấy quân nhân biệt kích bị vướng vào cành cây, và sợi dây của Sam Hernandez bị đứt, rơi từ độ cao 40 bộ xuống đất. Chiếc trực thăng tiếp tục bay lết vào trong thung lũng A Shau khoảng 600 thước rồi đâm vào sườn núi hướng đông bao bọc thung lũng. Chiếc trực thăng bốc cháy, trong khi đó, Sam Hernandez rơi xuống đất nhưng may mắn không bị gẫy chân, cũng chưa biết chiếc trực thăng đã bị rơi và bốc cháy. Anh ta tìm chỗ trú ẩn qua đêm rồi sẽ xử dụng khả năng mưu sinh thoát hiểm ngày hôm sau.
CHUYẾN ĐI TÌM NĂM 1971
Ngày hôm sau, 19 tháng Hai năm 1971, căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài, thuộc bộ chỉ huy Bắc (CCN) đưa một toán cấp cứu vào khu vực hành quân để tìm ba biệt kích Hoa Kỳ cùng phi hành đoàn chiếc trực thăng lâm nạn. Toán biệt kích “Bright Light” (chuyên đi cấp cứu) được đưa đến gần vị trí chiếc trực thăng rơi, họ tìm được Sam Hernandez. Anh ta là người may mắn, vẫn còn giữ cặp tài liệu lấy được của địch ngày hôm trước, được trực thăng đến đón, đưa về Phú Bài trước.
Toán biệt kích tìm ra chiếc trực thăng bị rơi trên một sườn núi, cách đỉnh núi khoảng 600 thước và đã bị cháy, hư hại hoàn toàn. Tất cả mọi người đều tử nạn, hai phi công Berg và Woods vẫn ngồi trên ghế, dây đai giữ xác họ chặt vào thành ghế. Xác của Johnson vắt trên một cành cây, cách chỗ trực thăng rơi khoảng 30 bộ. Chân của Demsey bị đứt, có lẽ anh ta bị bắn tung ra, rồi chiếc trực thăng, lăn đè lên.
Toán biệt kích “Bright Light” gói xác các nhân nhân vào trong túi đựng xác, để trên xác chiếc trực thăng. Nhưng vấn đề thời tiết thay đổi bất thường, trời tối xầm lại bị những đám mây đen che phủ, trực thăng không vào được, để đem xác các nạn nhân về. Toán biệt kích tiếp tục di chuyển lên hướng tây bắc (còn hai biệt kích nữa), lên đỉnh một sườn núi. Khi băng qua một vách núi dựng đứng, họ trông thấy sợi dây cấp cứu McGuire, với xác của Watson và Lloyd treo lủng lẳng ở dưới (hai quân nhân biệt kích bị đập vào vách núi).
Toán biệt kích tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc đến đồi 1528 để đóng quân qua đêm. Sáng hôm sau, toán biệt kích đang chuẩn bị quay trở lại chỗ chiếc trực thăng lâm nạn thì bị địch quân tấn công. Toán biệt kích bị thương hai người và phi cơ thám thính Covey rơi, viên phi công Larry Hull tử nạn. Toán biệt kích “Bright Light” được trực thăng vào cứu thoát, và phải bỏ lại tất cả những túi chứa xác đồng đội. Sau đó, cấp chỉ huy ở trên cao, không muốn bị tổn thất thêm, ra lệnh ngưng việc thâu hồi tử thi. Ba quân nhân LLĐB/HK trong nhóm biệt kích “Bright Light” đó là: Charles Westley, Cliff Newman, và Charles Danzer.
CÚ ĐIỆN THOẠI
Ngày 25 tháng Mười năm 1991, mẹ tôi gọi điện thoại báo tin, nhận được điện thoại của một người đàn ông tên là Wayne Jones. Ông ta giới thiệu là bạn của anh tôi Walt (Walter Demsey) cho đến khoảng hai tuần lễ trước khi anh tôi tử trận. Wayne rung động khi mẹ tôi cho biết gia đình vẫn chưa nhận được xác của anh tôi. Anh ta để lại số điện thoại và mẹ tôi gọi để tôi liên lạc với Wayne.
Ngay buổi tối hôm đó, tôi gọi điện thoại cho Wayne và ao ước muốn được đến chỗ trực thăng rơi, với hy vọng tìm được một kỷ vật nào đó của anh tôi đem về cho mẹ. Wayne trả lời cũng muốn đi và tìm cách để thực hiện điều mong ước.
Sau khi nói chuyện với Wayne qua điện thoại, tôi vẫn... không hy vọng. Năm tháng sau, Wayne gọi điện thoại, cho biết anh ta đã viết thư cho chính quyền Việt Nam, bầy tỏ niềm ao ước của mình và rất ngạc nhiên lẫn vui mừng khi nhận được thư trả lời, chấp thuận. Chúng tôi mua vé máy bay và lên đường vào đầu tháng Năm 1992.
CUỘC HÀNH TRÌNH KẾT THÚC
Wayne sống ở Virginia, tôi ở New Jersey, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên trong thành phố New York, và được Bob Clewell, cấp chỉ huy cũ của anh tôi đón tiếp, chúc chúng tôi lên đường may mắn. Chuyến máy bay của hãng hàng không Korea, cất cánh từ New York, bay lên Anchorage, Alaska lấy thêm nhiên liệu rồi bay đến Seoul, Korea. Chúng tôi nghỉ đêm ở Seoul để sáng hôm sau bay qua Bangkok, Thái Lan. Rồi lại nghỉ qua đêm chờ Visa vào Việt Nam. Sáng hôm sau nữa, chúng tôi đến không phận Hà Nội, từ trên nhìn xuống vẫn còn vết tích của trận chiến tranh vừa qua, những hố bom B-52 rải rác khắp cánh đồng.
HÀ NỘI
Chưa từng ra khỏi Hoa Kỳ, tôi ngỡ ngàng trước nền văn hóa khác biệt, khi bước ra khỏi phi cơ. Khung cảnh như đi ngược giòng thời gian. Chúng tôi được nhân viên sứ quán, ông Ngọc đón và tháp tùng suốt cuộc hành trình ở Việt Nam. Ông ta là một cựu VC, sẽ cung ứng những thứ cần thiết cho chúng tôi. Có một xe van (khách nhỏ) đợi sẵn đưa chúng tôi về khách sạn. Ngoài đường đầy những chiếc xe Honda, di chuyển không ngừng.
Khách sạn nơi chúng tôi cư ngụ tên là Bắc Nam, phòng ngủ có lối trang trí theo kiểu Nga Sô, rất xa lạ, khác thường. Phòng dành cho chúng tôi trên tầng thứ hai, có ban công nhìn xuống con đường chính. Có lẽ được dặn dò trước, tủ lạnh trong phòng chúng tôi chưá đầy bia Heineken và Coca. Bia uống được, nhưng Coca uống như nước đường.
Việc kế tiếp là ăn uống, chúng tôi không tính sao, mua hai thùng đồ ăn làm sẵn (khô). Có lẽ vì đói, nên cả hai cảm thấy ngon quá. Chúng tôi đi thăm viện bảo tàng Chiến Tranh, chẳng có gì hay. Sau đó chúng tôi được vị Tổng Trưởng Ngoại Giao đón tiếp, ông ta chúc chúng tôi may mắn trong thời gian ở Việt Nam, và không quên nhắc nhở, người Việt Nam có 300000 quân nhân mất tích trong trận chiến vừa qua.
Ngày hôm sau, chúng tôi lên phi cơ của hãng hàng không Việt Nam đi Đà Nẵng, tôi cảm thấy thích thú đặt chân xuống thành phố Đà Nẵng. Một xe van đưa chúng tôi đi ngang qua Ngũ Hoành Sơn, bãi biển “China beach”, một trong nhũng bãi biển đẹp nhất thế giới, rồi tiếp tục đi lên hướng bắc đến thành phố Huế.
THÀNH PHỐ HUẾ
Ra đến Huế, chúng tôi được đưa đi thăm thành phố, kinh thành xưa rất cổ kính và rất đẹp. Sau đó được du ngoạn trên giòng sông Hương cùng với ông thị trưởng thành phố. Chuyến du hành bằng thuyền khoảng hai tiếng đồng hồ, ghé thăm một ngôi chùa, có nhiều người đi hành hương. Chúng tôi ngủ lại Huế để sáng hôm sau vào thung lũng A Shau.
CON ĐƯỜNG ĐI VÀO ĐIẠ NGỤC
Con đường đi vào thung lũng A Shau, bị hư hại nhiều, chỉ có một đoạn tráng nhựa, sau đó là đất đỏ. Con đường uốn quanh theo núi, gồ ghề không bằng phẳng đi vào thung lũng. Cả một vùng rừng núi bị chất độc da cam (agent orange) tàn phá, cây cối xác xơ, nhiều đám cỏ tranh cháy đâu đó, bốc mùi khét. Con đường bị ngăn lại giữa đường đến A Lưới (Aloui), xe ủi đất đang ra sức sửa chữa đoạn đường. Người tài xế xin tôi ba điếu thuốc lá để cho mấy người đàn ông đang làm đường... Và họ tránh đường cho chiếc xe van chở chúng tôi đi qua...
A LƯỚI (ALOUI)
Chúng tôi đến A Lưới vào xế chiều, phải ngủ lại qua đêm trong một căn nhà lớn (building). Điạ điểm này cũng là nơi phát xuất cho toán tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA) Việt-Mỹ. Người hướng dẫn cho chúng tôi là một đại úy quân đội Hoa Kỳ. Buổi tối “khách sạn” có máy phát điện do người Hoa Kỳ cung cấp.
ĐẾN CHỖ PHI CƠ LÂM NẠN
Bẩy giờ sáng hôm sau, Wayne và tôi cùng với toán tìm kiếm quân nhân mất tích (phụ giúp) người Việt Nam lên một xe Jeep do Nha Sô chế tạo, đoàn tìm kiếm Hoa Kỳ đi trên chiếc Jeep Cherokee. Buổi sáng sớm có sương, khi mặt trời lên rất nóng và oi bức. Chúng tôi rời A Lưới (Aloui) đi về hướng nam, đến phi đạo bỏ hoang của trại LLĐB A Shau, hai chiếc xe rẽ lên hướng tây. Khi băng qua một giòng suối nhỏ, chiếc xe Jeep do Nga Sô chế tạo bị kẹt trong lớp bùn và chiếc xe Jeep do Hoa Kỳ chế tạo phải kéo lên. Đây là một hình ảnh rất đặc biệt.
Chúng tôi đậu xe, nơi hướng đông phi đạo, vách núi hướng tây của thung lũng A Shau nằm bên phải. Người Việt Nam cho biết, đã tìm ra chỗ trực thăng lâm nạn và họ đã chặt cây làm thành một con đường mòn để đi đến nơi. Cả khu vực có rất nhiều hố bom B-52 và chúng tôi bắt đầu lội bộ từ đây. Tôi lấy máy quay phim ra nhưng người Việt Nam ngăn lại viện lý do an ninh. Tuy nhiên họ đồng ý cho chụp ảnh.
Đi theo con đường mòn quanh co khoảng hơn nửa dặm, chúng tôi đến một giòng suối khác, nước lên đến bụng và đầy những con đỉa. Đoàn người phải lội dưới giòng suối thêm nửa dặm nữa mới lên bờ. Tôi đã được người Hoa Kỳ căn dặn trước, xịt thuốc chống đỉa nên không sao, mấy người Việt Nam phải lo phủi những con điả bám đầy quần áo.
Sau đó chúng tôi bắt đầu leo dốc lên một rẵng núi nhỏ, đâm ra từ rặng núi lớn, những rặng núi nhỏ nhìn từ xa trông như những ngón tay. Rừng núi rất rậm rạp, chỉ nhìn rõ khoảng vài bộ, làm tôi băn khoăn, trong thời chiến tranh, làm sao những quân nhân Hoa Kỳ trông thấy được địch quân đang nằm phục kích chỉ cách họ vài bộ. Đó cũng là điều đáng xấu hổ cho nhiều người Hoa Kỳ không hiểu rõ những gì, người lính Hoa Kỳ đang phải đối phó trước đây.
Chúng tôi ra khỏi khu rừng rậm rạp, đến một chỗ có nhiều cây cao, và đường lên dốc cao hơn, có nhiều chỗ dốc tới 60 độ. Đi được 3/4 đoạn đường, tôi đứng thở dốc, không biết mình đủ sức khỏe đi đến nơi, đến chốn không? Mấy người Việt Nam cũng như Hoa Kỳ khuyến khích tôi cố gắng lên, và chúng tôi đến nchỗ trực thăng rơi lúc 1:00 giờ chiều. Tôi có thể nhận ra ngay, chỗ này không phải chiếc trực thăng trong đó có anh tôi bị rơi. Theo tấm không ảnh chụp năm 1971, đó là nơi một phản lực cơ A4 Sky Hawk bị rơi (đã thâu hồi được tử thi).
Theo trên bản đồ, vị trí chiếc trực thăng bị rơi cách đó khoảng 1000 bộ, nằm trên sườn núi cần đem theo dụng cụ leo núi. Người lính biên phòng Việt Nam không đồng ý đi tiếp vì nơi chiếc trực thăng bị rơi nằm trên đất Lào. Chúng tôi đã vượt hàng ngàn dặm mới đến được nơi đây, chỉ còn cách 1000 bộ mà đành phải chịu thua?
Tại chỗ chiếc phản lực A4 rơi, chúng tôi làm lễ cầu nguyện cho người phi công kém may mắn. Nhóm tìm kiếm quân nhân mất tích Hoa Kỳ đã chuẩn bị trước, đem theo một lá cờ Hoa Kỳ nhỏ, đó cũng là tất cả những điều chúng tôi có thể làm được, kể cũng an ủi cho người đã khuất. Chúng tôi đặt tấm bảng có tên người phi công, lá cờ Hoa Kỳ trên một tảng đá, rồi bắt đầu đọc những lời cầu nguyện, gọi tên họ. Nước mắt tôi chẩy dài, mặc dầu không phải anh tôi, mấy người Việt Nam đi theo củng xúc động, họ đứng lặng yên.
TRỞ VỀ A LƯỚI
Mấy người Việt Nam, có đem theo thức ăn, mời chúng tôi ăn trưa, tôi quá đói và lạ miệng làm năm bát cơm, thêm năng lượng cho chuyến đi trở về. Trong khi chúng tôi đang ăn, ông trời chuyển mưa. Tôi đã lầm, nghĩ rằng đỉa chỉ có dưới suối, không dè khi trời mưa, chúng ở đâu bò ra, khắp nơi.
Chúng tôi dọn dẹp, rồi quay trở về. Đường về, xuống dốc vẫn đỡ mệt hơn lúc leo núi, những dốc cao chúng tôi phải vịn những cành cây hai bên như thắng xe. Khi xuống tới chân núi, chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ trong vùng A Shau. Chúng tôi đi ngang qua những chòi nhỏ của nông gia, những con trâu đang kéo cầy trên đồng. Sau đó đi ngược lên hướng bắc trở lại A Lưới.
TOÁN TÌM KIẾM VIỆT-MỸ
Trước khi trở về Huế, tôi ngồi nghĩ lại những chuyện đã xẩy ra trong ngày. Tôi không biết nói gì hơn để cám ơn cả hai toán tìm kiếm quân nhân mất tích Việt-Mỹ. Không có họ chắc tôi chẳng bao giờ có được kinh nghiệm những gì mình mới trải qua, những gì mà người lính Hoa Kỳ, cũng như anh tôi đã phải trực diện, để làm nhiệm vụ của người lính. Xin cảm ơn, tôi sẽ ghi nhớ mãi.
Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment