Friday, May 6, 2011

NAKHON PHANOM (1962-1975)


NAKHON PHANOM (1962-1975)
LTC Bill Shelton, (USA, Ret.)
        Những toán biệt kích đơn vị SOG thường được trao phó cho các chuyến hành quân xâm nhập “vượt biên”, phát xuất từ các căn cứ hành quân tiền phương trên phần đất nam Việt Nam và Thái Lan. SOG là chữ viết tắt của Studies and Observations Group (Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát), một đơn vị tối mật trong cơ quan MACV (Bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ Tại Việt Nam).
        Đơn vị SOG có bộ chỉ huy trong Saigon, và các bộ chỉ huy trực thuộc ở Đà Nẵng (bộ chỉ huy Bắc – CCN), Kontum (bộ chỉ huy Trung – CCC), và Ban Mê Thuột (bộ chỉ huy nam – CCS). Mỗi bộ chỉ huy có những căn cứ hành quân tiền phương (FOB), và những toán “chuyên viên” đưa biệt kích vào vùng hành quân (xâm nhập). Toán “Xâm Nhập Lưu Động 3” (Mobile Launch Team 3) là “cửa hậu” của đơn vị SOG, đưa toán biệt kích xâm nhập, trong trường hợp thời tiết xấu trong miền nam, gây trở ngại cho việc đưa toán biệt kích xâm nhập hoặc triệt xuất (thường đưa qua Thái Lan rồi xâm nhập ngược trở lại Việt Nam, Lào, Miên).
        Trong giai đoạn này, rất ít phi công lái trực thăng của Lục Quân được cấp “chứng chỉ đặc biệt”. Chỉ có phi đoàn trực thăng võ trang của TQLC/HK HML-367 (Scarface hoặc Eagle Claw) trong phi trường Phú Bài mới đủ khả năng, thường làm việc với căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1, Phú Bài), bay hộ tống trực thăng H-34 thả biệt kích, do phi công Việt Nam thuộc phi đoàn 219 “King Bee” đảm trách. Các phi công Việt Nam rất can đảm, thường được xử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Họ cũng là huyền thoại trong đơn vị SOG.
        Nhiệm vụ cho các toán biệt kích SOG bao gồm: dò thám đường mòn, sông rạch, bắt tù binh, đặt máy nghe lén điện thoại, đặt máy dò điện tử, gài mìn, và cấp cứu phi công bị bắn rơi, hoặc các toán biệt kích SOG lâm nguy. Có nhiều đơn vị khác làm việc cho SOG, như Market Time bao gồm cả Hải, Không Quân. Và những ban hành quân riêng biệt như OP-34, OP-35. Đơn vị Hải Quân tổ chức những trận đột kích, bắn phá dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam. Các bộ chỉ huy, căn cứ hành quân thường đưa những toán biệt kích 34 (OP-34) xâm nhập ngoài miền bắc Việt Nam. Còn nhiều hoạt động bí mật khác, nhưng vì lý do an ninh, ban này không biết việc làm của ban kia.
        Các cuộc hành quân được soạn thảo trong bộ chỉ huy đơn vị SOG, gửi đến các bộ chỉ huy trực thuộc Bắc, Trung, Nam để thi hành. Khi nhận được, các bộ chỉ huy vùng sẽ soạn thảo lệnh hành quân và ra lệnh cho các toán biệt kích xâm nhập. Mỗi toán biệt kích SOG thường có 3 quân nhân LLĐB/HK, và lên đến 10 biệt kích quân người Thượng. Người trưởng toán biệt kích có danh hiệu 1-0 (one-zero), toán phó 1-1 (one-one), nhân viên truyền tin 1-2 (one-two), tất cả đều thuộc LLĐB/HK. Người trưởng toán có thể thay đổi cơ cấu tổ chức của toán biệt kích. Quân nhân LLĐB/HK trong toán có nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch hành quân, huấn luyện, trang bị cho toán biệt kích. Tùy theo nhiệm vụ cho mỗi chuyến hành quân, toán biệt kích có thể yêu cầu (yểm trợ, trang bị) tất cả những phương tiện có sẵn của đơn vị SOG.
        Thí dụ, trên căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1, Phú Bài), mỗi ngày đều có 2 phi cơ quan sát FAC “Covey” thuộc phi đội 20 TASS (từ Đà Nẵng biệt phái hành quân cho đơn vị SOG), 2 trực thăng võ trang UH-1 thuộc phi đoàn HML 367 của TQLC/HK đóng trong phi trường Phú Bài, 3 trực thăng H-34 King Bee, phi đoàn 219 Việt Nam, các trực thăng thả biệt kích “Slick” từ phi đoàn Firebirds, sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ biệt phái hành quân, và các đơn vị Lục Quân Hoa Kỳ khác. Trường hợp phải di chuyển những đơn vị cấp lớn (trung, đại đội) Hatchet Force, đã có trực thăng CH-47 Chinook thuộc Lục Quân, CH-46 Sea Knight của TQLC/HK tăng cường. Trong căn cứ không quân Nathon Phanom bên Thái Lan, Không Lực 7 Hoa Kỳ (7 Airforce) dành sẵn đơn vị 56 SOW yểm trợ đặc biệt cho đơn vị SOG, gồm có:  2 phi cơ quan sát FAC “Nail”, 3 trực thăng cấp cứu CH-53 thuộc phi đoàn SOS Knives và 4 khu trục cơ A1 thuộc phi đoàn 56 không quân chiến thuật.
        Trước khi toán biệt kích xâm nhập, người trưởng toán (1-0) thường đi bay thám thính khu vực hành quân trước để chụp ảnh những điểm quan trọng, chọn bãi đáp xâm nhập, triệt xuất, v.v... Một khung vuông 6x6km chung quanh mục tiêu được đánh dấu là vùng không được oanh kích hoặc tác xạ pháo binh trước khi toán biệt kích xâm nhập, để tránh trường hợp bắn lầm. Khi quay trở về toán biệt kích cùng phi công FAC được thuyết trình sơ qua mục tiêu và nhiệm vụ.
        Ngày toán biệt kích lên đường xâm nhập, tất cả mọi người liên quan, CHT căn cứ hành quân tiền phương, sĩ quan hành quân SOG, tất cả các phi công FAC, trực thăng võ trang, thả toán biệt kích đều tham dự buổi thuyết trình, xem không ảnh chi tiết lần chót. Sau đó phi công FAC đem theo một quân nhân SOG, có nhiều kinh nghiệm (ngồi ghế sau) cất cánh trước lên bao vùng. Thường các phi công bay vòng để địch quân không đoán ra vị trí thả toán biệt kích. Sau khi thám sát khu vực, không có dấu hiệu khả nghi (hoạt động của địch) và bãi đáp yên tĩnh, phi công FAC sẽ liên lạc về căn cứ hành quân tiền phương, để hợp đoàn trực thăng đưa toán biệt kích vào bãi đáp cho chuyến xâm nhập.
        Từ Phú Bài, toán biệt kích lên trực thăng cùng với các phi cơ trực thăng võ trang bay theo bảo vệ, bay vào bãi đáp đã chọn trước trong chuyến bay dò thám. Bình thường các trực thăng sẽ bắn hỏa tiễn, dọn dẹp xung quanh bãi đáp, để giết hoặc đuổi những toán canh gác bãi đáp của địch ra khỏi khu vực, trước khi trực thăng thả toán biệt kích bay vào. Sau khi toán biệt kích ra khỏi bãi đáp, “biến” mất vào trong rừng, phi cơ FAC vẫn còn bao vùng ở một chỗ khác cách xa vài cây số (an toàn cho toán biệt kích) đợi cho toán biệt kích báo tín hiệu “OK”, lúc đó phi cơ FAC mới cho lệnh hợp đoàn trực thăng bay trở về căn cứ.
        Đến buổi chiều, khoảng từ 3 đến 5 giờ, FAC sẽ bay trở lại, liên lạc xem toán biệt kích OK, hay có điều gì để báo cáo về bộc chỉ huy. Sau đó FAC sẽ liên lạc với tất cả mọi nơi, trung tâm điều không, các phi cơ bao vùng của Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ, để chắc chắn họ biết khu vực có toán biệt kích, không được oanh kích.
        Đến cuối năm 1969, đầu năm 1970, không quân Hoa Kỳ thay thế loại phi cơ thám thính khác, OV-10, bay an toàn hơn, mang theo nhiều hỏa tiễn khói trắng (để bắn chỉ điểm cho khu trục hoặc phản lực oanh kích), và trang bị máy móc truyền tin mạnh hơn.
        Khi đã xâm nhập vào mục tiêu, toán biệt kích phải lo nhiệm vụ của mình, phi cơ FAC “Nail” (loại cũ có danh hiệu “Covey”) sẽ lên bao vùng hàng ngày, nhưng đến tối toán biệt kích chỉ liên lạc với những loại phi cơ đặc biệt danh hiệu “Bat Cat”, bao vùng 24/24 và cho tất cả các đơn vị Bộ Binh Hoa Kỳ xử dụng để liên lạc. Bình thường các toán biệt kích SOG xâm nhập sâu vào đất Lào hoặc Miên, ra khỏi tầm tác xạ yểm trợ của Pháo Binh, do đó “Không Yểm” là phương tiện “sống chết” của toán biệt kích, sống sót trở về.
        Sau khi toán biệt kích đã hoàn tất nhiệm vụ hay gặp trường hợp khẩn cấp (chạm địch...) phải được triệt xuất. Hầu hết các trường hợp triệt xuất một toán biệt kích đều... khẩn cấp. Sau khi đem được toán biệt kích về an toàn, các quân nhân biệt kích Hoa Kỳ phải thuyết trình sơ qua về chuyến “công tác”, sau đó họ được đưa vào câu lạc bộ “Heavy Hook” đã một chầu và để cho họ có dịp tâm sự thêm với phi hành đoàn đi cứu họ. Sáng hộm sau một phi cơ C-130 mầu đen, không phù hiệu “Blackbird”, sẽ đưa cả toán biệt kích về căn cứ của họ, và sẽ phải thuyết trình chi tiết về chuyến hành quân xâm nhập.
        Nhiệm vụ các phi công FAC thuộc phi đoàn 20, 23 TASS rất quan trọng. Họ phải can đảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình đồng đội, nhờ vậy những toán biệt kích SOG mới có nhiều cơ hội sống sót trở về.

Dallas, TX. May 13, 2010
vđh

No comments:

Post a Comment