Sunday, May 15, 2011

ĐÀN QUẠ ĐEN



ĐÀN  QUẠ  ĐEN
(The Raven)                                                                                 
I. HUYỀN THOẠI.
        Khoảng giữa thập niên 60, trận chiến tranh Đông Dương gia tăng cường độ cũng như bắt đầu cho một huyền thoại. Câu chuyện bí mật này thường được nghe trong những quán rượu, nơi những người tây phương thường lui tới. Những nhân vật sành sõi cũng chỉ nói sơ sơ về một cuộc chiến tranh bí mật ở ngoài nước Việt Nam, trên một ‘sân khấu khác’. Những người đàn ông tình nguyện đi chiến đấu ở bên đó được tuyển chọn đặc biệt, sau đó dường như họ biến mất trên mặt đất.
        Những chàng phi công trên sân khấu khác là quân nhân, tuy nhiên khi bay ra chiến trường họ mặc quần áo dân sự, quần Jean, áo thun, đội nón cao bồi và đeo kính đen. Họ lái những chiếc máy bay cánh quạt cũ rích, phế thải và chịu sự thương vong cao nhất trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương, tỷ lệ lên đến 50%. Mỗi viên phi công bị bắt buộc đem theo một viên thuốc độc nhỏ, do cơ quan tình báo CIA chế tạo và phải thề sẽ uống khi lọt vào tay kẻ thù. Nhiệm vụ của họ là bay những phi vụ thám thính, không yểm cho những lãnh chúa lãnh đạo một đạo quân đánh thuê cổ lỗ sĩ dưới sự tài trợ của cơ quan CIA hoạt đông từ một thành phố bí mật, che dấu trong vùng rừng núi gần biên giới Trung Hoa Đỏ.
        Được sự kính trọng, nể nang nơi những quân nhân chuyên nghiệp hoạt động sau phòng tuyến địch như Lực Lượng Đặc Biệt, nhân viên CIA làm việc trong ‘sân khấu’, những phi công oanh tạc Bắc Việt. Những viên phi công này thường nhắc nhở đến những người bạn đã biến đi mất hút trong một cuộc hành quân tối mật có danh hiệu là Chương Trình Steve Canyon.
        Đến khi họ tái xuất hiện lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Trong thế giới của quân đội, tóc tai gọn gàng, quần áo chỉnh tề, giầy đánh bóng, họ không giống ai, tóc dài, ria để dài uốn cong lên, đeo vòng vàng thật to. Trong vùng hành quân, họ đeo thêm khẩu súng lục 9 ly trông như những tay găng tơ (gangster), người nào cũng đeo một chiếc nhẫn vàng 22, trạm trổ theo kiểu Á đông.
        Chỉ những người bên trong làm việc vớí đám phi công này mới biết họ là những con Quạ Đen. Những điều bí mật về họ vẫn còn được giữ kín cho đến ngày nay. Một số lớn tài liệu về lịch sử cũng như những hoạt động của nhóm Quạ Đen trong cuộc chiến Đông Dương vẫn còn được coi là mật cho đến hết năm 2000. Huyền thoại về họ trở nên khó tìm, rất ít cựu chiến binh trong trận chiến Việt Nam biết đến chương trình ‘Steve Canyon’. Những con Quạ Đen... một  ‘băng’ khác thường đã từng sống và chiến đấu trong vùng rừng núi trên một ‘Sân Khấu’ khác ở đâu đó trong vùng Đông Nam Á.

II.   CƠ  HÔI.
        ‘Có ai muốn nhận lãnh cơ hội này không?’
        Những quân nhân dính líu trong trận chiến bí mật trước hết phải chọn một tấm thẻ ‘cơ hội’. Một sĩ quan không quân sẽ nói về nhiệm vụ của những phi công lái loại máy bay thám thính cho những người mới đến Việt Nam. Nhiệm vụ này được gọi là ‘Kiểm Soát Không Lưu Tiền Tuyến’ (FAC), bay những chiếc máy bay thám thính mong manh, điều động oanh tạc cơ ném bom xuống mục tiêu. Các phi đoàn FAC được phân phối đi khắp nơi, có khi làm việc với quân bộ ở dưới đất, phi đoàn khác bay dò thám đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc chuyên bay những phi vụ đêm. Nhiều khi FAC được gọi cho một phi vụ ‘Tìm Kiếm, Cấp Cứu’ (Search and Rescue - SAR) những phi công bị bắn rơi.
        Đâu phải ai cũng được chọn tấm thẻ ‘cơ hội’ dễ dàng, sĩ quan thuyết trình viên chỉ cho biết thêm chút ít ‘Tôi không thể nói nhiều về chuyện đó... Nếu quý vị nào thích mạo hiểm và thích gia nhập chương trình này, chúng tôi bảo đảm sẽ có người tiếp chuyện với các bạn, sau khi đã ở đây (Việt Nam) sáu tháng’.
         - Sáu tháng! Nhưng mà chương trình gì vậy?
        Người sĩ quan thuyết trình viên mỉm cười ‘Khi nào bạn đã ở đây được sáu tháng, trở lại đây nói chuyện với chúng tôi, nếu bạn vẫn còn thích’. Tấm thẻ được cất đi, chỉ giới thiệu sơ sơ thôi, nhiều sĩ quan trẻ nổi nóng ‘Shit! Tôi không có tình nguyện vào các chương trình nào có tên Steve Canyon’.
         Muốn làm phi công Hoa Kỳ cũng không phải dễ, bị loại rất nhiều. Trước hết phải qua kỳ khám sức khoẻ để bay, sau đó là kỳ thi dành cho sĩ quan phi hành của không quân. Những người qua được mới được chọn để huấn luyện lái máy bay, thêm một năm trời gay go, lúc nào cũng có thể bị loại vì nhiều lý do, chóng mặt, chậm chạp trong việc xử dụng không đồ v.v... Cuối cùng những người còn sót lại được gắn cánh bay. Chỉ những sĩ quan đậu cao mới được lái chiến đấu cơ, nếu may mắn có sẵn máy bay. Những người khác phải lái máy bay vận tải hoặc thả bom. Vẫn còn đỡ hơn những sĩ quan navigator, dầu sao lái máy bay chiến đấu vẫn hách hơn nhiều.
        Tuy nhiên trong chiến cuộc tại Việt Nam, những ai không được lái máy bay chiến đấu có thể tình nguyện bay những phi vụ tác chiến đang có tiếng nhanh chóng, đó là những FAC (Kiểm Soát Không Lưu Tiền Tuyến). Những phi vụ tác chiến của FAC rất nguy hiểm, số thương vong cao, do đó lúc nào cũng có chỗ cho các phi công mới sang Việt Nam tình nguyện. FAC rất quan trọng cho tất cả mọi cuộc hành quân trên chiến trường Việt Nam. Nhiệm vụ của FAC là tìm mục tiêu, liên lạc với các phi cơ thả bom hoặc chiến đấu đang bay vòng trên trời hoặc trung tâm không yểm dưới đất, đánh dấu mục tiêu bằng hoả tiễn khói trắng (Willy Pete) và theo dõi trận không kích cho đến khi chấm dứt. Sau khi các phi cơ oanh kích rời vùng hành quân, FAC vẫn còn bay trên mục tiêu, thẩm định kết quả về trận ném bom. FAC còn thêm nhiệm vụ bảo đảm không ném bom vào những nơi có đông dân cư. Từ đầu năm 61, tất cả các loại phi cơ chiến đấu, oanh tạc hoặc võ trang đều đặt dưới quyền kiểm soát của FAC.
        Các phi công FAC được huấn luyện bởi Air Commandos (Cảm Tử) trong căn cứ không quân Hurlburt Field, Fort Walton Beach, Florida. Commandos xử dụng tất cả máy bay dành cho các cuộc hành quân đặc biệt, thường không dính dáng đến quân chủng không quân. Sau đó họ được huấn luyện về mưu sinh thoát hiểm ở Homstead, Florida, trường hợp bị bắn rơi. Kế tiếp là căn cứ không quân Fairchild, Washington tập chịu đựng lúc bị thẩm vấn, tra tấn trường hợp bị giam trong các trại tù binh ở Bắc Việt. Giai đoạn cuối cùng, các phi công được đưa sang Philippines học thực sự về mưu sinh, thoát hiểm và đào tẩu. Khi đến Việt Nam họ được đưa đến trình diện ‘Viện đại học FAC’ tại Phan Rang, bộ chỉ huy Không Đoàn 14 Air Commandos.
        Bay những phi vụ FAC trên chiến trường Việt Nam phải tuân theo nhiều luật lệ, trong thế giới của những tay nghề trong chương trình Steve Canyon, mọi chuyện đều khác biệt. Quân đội Hoa Kỳ quá nặng nề trên vấn đề tiếp vận. Trong lúc cao điểm của chiến tranh, chỉ có khoảng 67000 - 90000 quân nơi tiền tuyến, phần còn lại của đạo quân 540000 người làm thành một cái đuôi tiếp vận khổng lồ. Cứ mỗi quân nhân Hoa Kỳ cầm súng ra chiến trường thì có khoảng từ sáu đến tám người phục vụ đằng sau, nơi hậu phương. Ít hơn 20% quân sô của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam thực sự cầm súng chiến đấu.
        Đám ‘lòng thòng’ nơi hậu phương cũng có cuộc chiến đối với họ, chiến tranh máy điều hòa không khí, tiệm cắt tóc lưu động, phòng nha sĩ lưu động, câu lạc bộ, khu giải trí máy lạnh đầy đủ tiện nghi, dưới ánh đèn mầu của các Snack Bar. Những người lính cầm súng ra trận còn phải chiến đấu với đám ‘lòng thòng’ này nữa. Craig Morrison, một Quạ Đen tương lai trong một chuyến ghé bộ chỉ huy ở Nha Trang, khi trở về hành quân viết trong quyển nhật ký ‘Chúa ơi, tôi vui sướng được phục vụ ở đây chứ không ở dưới đó. Những tay nói dóc chuyên nghiệp và những thằng vô dụng đều có mặt ở đó, ngồi lo chuyện báo chí. Họ có bao giờ dám vác mặt lên đây vì nơi đây là chỗ ‘dữ-dằn’ nhất  trên quân khu II. Nơi đây hỏa tiễn, đạn súng cối có thể giết bạn, tuy nhiên rất hứng thú, còn những thằng vô dụng đó có thể làm bạn mất mặt, chán chường chết được...’
        Quạ Đen là danh hiệu dùng để gọi những chàng phi công trong chương trình Steve Canyon. Một biểu hiệu tượng trưng cho việc thâu thập tin tức, làm nhiệm vụ điều không. Không còn tên nào phù hợp hơn để đặt cho những chiến sĩ trong trận chiến bí mật. Quạ là loài chim của Thượng Đế. Trong chuyện thần thoại Na Uy, hai con quạ Huyin (Ý Tưởng, Thought) và Munin (Ý Nghiã, Meaning), đậu trên đôi vai Odin, chúa của các vị thần. Mỗi ngày chúng bay đi đến phần cuối của điạ cầu, tối quay trở về với sư phụ, báo cáo những việc xẩy ra trên thế giới. Người Vikings tin rằng, những con chim bay trên chiến trường là những vị thần với bề ngoài con quạ.
        Những phi công Quạ Đen thích được bay tối đa, tối thiểu trong vấn đề thủ tục hành chánh và họ là những phi công thượng hạng. Qua định nghiã trên, họ là những tay lừng danh, không được thoải mái trong sự gò bó của quân đội thường bị coi là bất trị trong tiêu chuẩn về kỷ luật nhà binh. Những người như vậy rất cần cho một trận chiến đặc biệt.


III.   VƯƠT  BIÊN.
        Chương trình Steve Canyon tự nó cũng đã bí mật, Fred Platt trình diện tại phi trường Biên Hòa để được dặn dò lần cuối. Đây cũng là dịp cuối cùng cho những ai muốn thay đổi ý định, những quạ đen gọi là ‘Buổi thuyết trình Rút Chân’. Nhiều phi công FAC nổi tiếng về can đảm trên chiến trường Việt Nam như Sy Margolis nói với Platt ‘Anh có điên không? Đây là lần cuối cùng tôi thấy anh còn sống. Anh tình nguyện đi vào cõi chết’.
        Sau khi được nghe buổi thuyết trình, Platt được đưa đến một hangar gặp một vị đại tá.
        - Có phải anh là người lấy mấy chiếc máy bay đó không?
        - Máy bay nào vậy?
        Vị đại tá dửng dưng trước câu trả lời của Platt ‘Mình không thể nói về chuyện đó. Mấy chiếc máy bay đó ở đây’. Ông ta chỉ tay về phiá ba chiếc O-1 thám thính, đã xóa phù hiệu đơn vị chỉ còn con số ở đằng đuôi. ‘Anh có muốn ký nhận không?’.
        - Tôi nhận.
        - Anh phải trả một đồng cho mỗi chiếc.
        - Chịu liền. Platt thích thú, cứ như trong tiểu thuyết, chương trình này có nhiều độc đáo, phi công chỉ phải trả một đồng cho mỗi chiếc máy bay. Chàng móc túi lấy ba đồng đollar đỏ (MPC) ra đưa cho vị đại tá.
        - Đâu được, bắt buộc phải bằng tiền thật. Vị đại tá móc túi lấy ba đồng dollar xanh ra thay vào rồi ghi số máy bay vào quyển sổ tay. Sau đó lái xe Jeep đưa Platt đến bộ chỉ huy bắt chàng ký giấy tờ chứng nhận đã mua ba chiếc máy bay. Ba chiếc máy bay bị xóa sổ trong hồ sơ của Không Lực Hoa Kỳ, đồ thặng dư bán cho dân sự. Platt bỗng dưng được làm chủ ba chiếc máy bay.
          Chàng được lệnh đem ba chiếc máy bay ra Sở 1 (Detachment 1) trong phi trường Udorn bên Thái Lan. Bộ chỉ huy đả vạch ra phi trình cho Platt, có trạm nghỉ đêm ở Pleiku để xem lại vấn đề cơ khí kỹ thuật. Hai quạ đen khác cùng đi với Platt, cả ba bay đi Pleiku, chàng để ý ba chiếc O-1 được đậu vào chỗ dành cho những phản lực cơ đắt tiền. Một chiếc xe Jeep đưa ba người đến khu nghỉ ngơi, được một vị đại tá khác đón tiếp, Platt nghĩ thầm ‘Đi đâu cũng được đại tá đón tiếp, chắc chắn mình đã gia nhập đoàn phi công Thần Phong Cảm Tử Kamikaze và sắp lao vào chỗ chết’.
          Sở 1 nằm riêng biệt một góc trong căn cứ, tầng trên nơi văn phòng làm việc của hãng Hàng Không Hoa Kỳ (Air America), hãng máy bay của CIA. Một vị đại tá đón tiếp ba chàng phi công một cách vắn tắt ‘Tôi là cấp chỉ huy ở đây. Hồ sơ của các anh được lưu giữ tại đây và chúng tôi sẽ lo cho các anh. Tôi thực sự không rõ lắm về những chuyện đang xẩy ra và tôi không có quyền kiểm soát các anh. Xin chào!’. Sau đó các quạ đen được biết rằng phi trường Udorn không phải là nơi họ sẽ làm việc, được giao cho nhiệm vụ tạm thời tại một nơi khác. Tất cả quân phục, thẻ bài, giấy tờ phải để lại cho vào kho, được chích ngừa, dặn dò lương tháng sẽ được lãnh tại Udorn nhưng tuyệt nhiên không ai nói gì thêm ‘Tụi tôi hoàn toàn không biết công việc làm của các anh, chỉ là bề ngoài’. Sau đó ký nhận vũ khí, áo mưu sinh, nón bay và một mảnh giấy trắng ‘Điạ chỉ tại Hoa Kỳ nơi bạn muốn gửi thân xác về’.  
          Một điều ngạc nhiên khác cho quạ đen Morrison về một người lạ mặt mặc thường phục. ‘Đi câu lạc bộ’. Trên đường đi, nguời đàn ông lạ mặt hỏi tiếp ‘Anh có biết gì về chương trình này không?’. Morrison trả lời ‘Chút đỉnh’. Khi người nữ chiêu đãi viên đem rượu ra, người mặc thường phục im ngay cho đến khi cô chiêu đãi đi khỏi mới nói tiếp về chuyện bí mật, dặn dò nên giữ thầm lặng. Chàng gật đầu, người đàn ông chồm về phiá trước ghé sát vào tai Morrison.
        - Bạn sắp sửa đi lên vùng đất phiá trên.
        - Ủa!  Chàng bâng khuâng tự hỏi đất nước nào... Miến Điện, Ấn Độ, Cao Miên hay Lào?
        - Cho đến khi bạn biết chuyện gì đang xẩy ra, khi bạn đặt chân đến nơi, đừng nói cho ai biết. Ngày mai cứ đến đây rồi leo lên máy bay.
        - Có lẽ tôi không nên hỏi loại máy bay nào.
        - Cứ ra đây.
        Người đàn ông lạ mặt mặc thường phục biến mất vào đám đông để lại Morrison ngồi suy nghĩ mông lung bên ly rượu.
        Ngày hôm sau, đúng bẩy giờ sáng chàng đến trình diện nơi văn phòng làm việc của Air America. Những nhân viên làm việc bên trong nói chuyện rất ít, Morrison mặc áo thun, quần Jean đi giầy nhà binh xách theo một túi nhỏ đựng đồ cá nhân, khẩu súng lục 9 ly Browning được gói trong tờ giấy báo.
        - Chào ông, tôi là quạ đen.
        - Tên ông là gì?
        - Morrison.
        - Được rồi, ngồi đợi ở đó.  Chàng đến chỗ có hai người cũng đang ngồi đợi, không ai nói một lời.
         Một chiếc C-123 của Air America hạ cánh, chạy đến chỗ hãng máy bay rồi quay lại trong khi động cơ vẫn nổ. Người nhân viên đứng nơi cửa đưa ngón tay cái lên ra dấu ‘leo lên’. Ba chàng quạ đen mới chạy ra, leo lên máy bay. Chiếc phi cơ cất cánh ngay tức khắc. Bay khoảng hai mươi phút rồi đáp xuống, trong khoảng thời gian đó vẫn không ai chuyện. Sau mấy tuần lễ băn khoăn, cuối cùng Morrison biết rằng chàng đang tham dự vào một cuộc chiến tranh bí mật trên đất Lào.
         Sau đó Morrison được đưa đến thủ đô Vạn Tượng (Vientiane) bằng xe Jeep. Điều làm chàng ngạc nhiên là thành phố rất bình yên, toà đại sứ Tầu, Nga, Bắc Việt mở cửa làm việc rất thường tình, làm như không có chiến tranh. Tòa đại sứ Hoa Kỳ chiếm một biệt thự có thể nói là lớn nhất trong thành phố.
         Những quạ đen mới trình diện nơi văn phòng tùy viên không lực, cả ba được chụp ảnh làm thẻ AID (Cơ quan Phát Triển Quốc Tế  Agency for International Development) và một bằng lái xe của Lào. Họ được dặn dò không gọi nhau bằng cấp bậc, tuy nhiên để dễ làm việc nên gọi cấp chỉ huy là ‘Ông’ (Mister), thư từ dùng điạ chỉ của phi trường Udorn, Thái-Lan.
         Các quạ đen được nghe thuyết trình về tình hình nước Lào, quân đội Bắc Việt tiếp tục gửi người và vũ khí qua ngã Lào xuống đường mòn Hồ Chí Minh. Trên vùng I chiến thuật (MR-I), quân đội Hoàng Gia Lào đang đánh nhau với quân Bắc Việt đe dọa Luang Prabang kinh đô của hoàng gia. Trận chiến thực sự xẩy ra trên quân đoàn II, nơi những đơn vị du kích người Mèo (Hmong) của tướng Vang Pao ngăn chặn sự bành trướng của quân Bắc Việt trên Cánh Đồng Chum (Plain of Jars). Các quạ đen được phân phối đi khắp nơi, nơi nổi tiếng nhất là Long Tieng, căn cứ tối mật của tướng Vang Pao.


IV.    THÀNH  PHỐ  BÍ MẬT.
         Các quạ đen được đưa đến Long Tieng, bộ chỉ huy đầu não, trung tâm thần kinh của trận chiến trên ‘sân khấu bên kia’. Thành phố bí mật này không thấy trên bản đồ nhưng đã phát trển trở nên lớn nhất trong nước Lào sau thủ đô Vientiane. Người trong cuộc không gọi tên thành phố là Long Tieng mà gọi bằng tên khác, có lẽ để bảo mật là Alternate. Tất cả làng mạc đều có số hiệu, đánh dấu phi đạo. Vị trí (Lima Site) 20 là Sam Thong, nơi đặt văn phòng cơ quan Phát Triển Quốc Tế, có bệnh viện, trường học nằm cách Long Tieng 20 cây số ngoằn ngoèo theo núi non về hướng tây bắc. Người bên ngoài nghe nói đến Long Tieng hay Alternate gọi là Thiên Đàng của Spook (có lẽ theo phim Star Trek trong TV) vì có một số nhân viên của CIA sống bên trong. Có thể nói đó là điểm bí mật nhất trên thế giới.
         Long Tieng được xây dựng trong lòng thung lũng, ba mặt có núi che chở, phần còn lại có những ngọn đồi thoai thoải và một phi đạo với những mái chòi lợp tranh, nhà cửa dọc theo hai bên. Từ trên không nhìn xuống trông như một hàng không mẫu hạm bị trôi dạt vào bờ và nâng lên trên cao độ ba ngàn dặm. Các quạ đen mới đến lần đầu sẽ cảm thấy lạ, sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh đứa trẻ đi chân đất, mặc bộ bà ba đen cười thật tươi như đón chào khách lạ từ phương xa đến.
         Long Tieng trong mùa mưa là một lớp bùn đỏ, những tảng đá vôi bao phũ với rong rêu. Chỗ nào cũng ướt, trên bầu trời là một lớp sương mầu xám. Cỏ cây  mọc ra từ những kẽ nứt trên những tảng đá vôi, sau mùa mưa Long Tieng như hồi sinh, chỗ nào cũng nở hoa, đủ loại hoa dại phủ kín thung lũng. Không một nơi nào trên trái đất như Long Tieng, gần như trong chuyện thần thoại về thiên đàng Shangrila.
         Tướng Vang Pao sống trong một căn nhà vừa làm bộ chỉ huy, xây bằng bê tông, trên mái là một khẩu đại liên phòng không 12 ly 7 tịch thâu của địch. Gần đó là dẫy nhà của nhân viên CIA cùng với những phi công Air America, họ không dùng danh từ CIA mà gọi là  CAS (Controlled American Source). Trên chiến trường, cơ quan CIA điều hành mọi việc, hầu hết các cuộc chiến đấu do người Mèo đảm trách, đạo quân này chỉ huy bởi của tướng Vang Pao, người mà trên giấy tờ dưới quyền của viên tổng tham mưu trưởng quân lực Hoàng Gia Lào. Các quạ đen, nhân viên CIA và tướng Vang Pao có sự ràng buộc chặt chẽ trong vấn đề chỉ huy, chiến đấu.
         Hàng ngày lúc hoàng hôn, Long Tieng nhộn nhịp với các loại máy bay cùng trực thăng đáp xuống liên tục trên đường trở về căn cứ trước khi mặt trời lặn. Những chàng phi công Hoa Kỳ mệt mỏi lặng lẽ rời phi đạo, những phi công bản sứ người Mèo lái phi cơ chiến đấu bị vọp bẻ (chuột rút) sau mười tiếng đồng hồ ngồi trong buồng lái, bay những phi vụ oanh tạc, yểm trợ được giúp đỡ nâng ra khỏi chiếc máy bay. Những quạ đen bay những chiếc O-1 thám thính (Bird Dogs) từ khắp nơi cũng bay về sau một ngày làm nhiệm vụ.
         ‘Nơi đây thật là lôi cuốn’, Fred Platt nói thêm ‘Nơi đây có cảm tưởng là chỗ trú ẩn của hải tặc, nhiều người xâm đầy mình, đeo dao rừng. Lúc mới đặt chân đến, tôi đã tìm thấy mái nhà’. Mọi chuyện ở Long Tieng đều được thi hành khác thường. Không có cấp bậc và cũng không theo truyền thống quân đội. Chiến tranh cho cả vùng chiến thuật được quyết định mỗi buổi tối trong bữa cơm với tướng Vang Pao. Sĩ quan người Mèo, nhân viên CIA, nhân viên tình báo và quạ đen thâm niên đến nhà tướng Vang Pao dùng cơm chiều hàng ngày.
         Quạ đen mới đến sẽ đi theo đàn anh đến dùng cơm để gặp tướng Vang Pao. Bữa cơm rất thân mật, bình thường, vị tướng ngồi xếp chân dưới đất ngay giữa bàn, những cố vấn, sĩ quan ngồi bên cạnh. Khuôn mặt tròn của ông ta thỉnh thoảng mỉm cười, ông ta rất hãnh diện về các quạ đen, yêu thương như những người con trai. Những giỏ đan bằng tre đựng xôi và những bát rau đủ loại phân phối đều trên bàn ăn. Thịt rất hiếm, thỉnh thoảng có thịt gà, thịt heo là đại tiệc. Người Mèo theo tục lệ dành đầu gà cho khách danh dự, cũng như tai heo. Họ không dùng đũa mà dùng ngón tay bốc nắm xôi, ve lại cho tròn rồi đưa vào miệng.
         Sau khi dùng cơm chiều xong, mọi người vào phòng hành quân phiá sau họp. Vị tướng sẽ nói sơ qua về vị trí quân địch, lực lượng phe ta và tiên đoán tình hình cho ngày hôm sau. Khi trở về, quạ đen thâm niên sẽ phân phối nhiệm vụ cho các bạn đồng nghiệp, những vùng phải bay để điều khiển không tập sáng hôm sau.


V.    NGON NÚI THIÊNG.
        Ngọn núi Phou Pha Thi là nơi linh thiêng đối với dân Mèo, nhiều câu chuyện thường được kể lại từ những người già cả, hoặc những thầy cúng. Đây cũng là điểm chiến lược trọng yếu đối với người Hoa Kỳ, gọi là ‘Tảng đá’ và xem như một trong những điều bí mật của họ. Những điều kể trên lôi cuốn sự chú ý của địch quân, đưa đến một trong những trận đánh lớn trong cuộc chiến.
         Là một thành trì thiên nhiên, ‘Tảng Đá’ trồi lên cao 5600 bộ trên một rặng núi, một mặt dốc đứng, mặt bên kia là một pháo đài kiên cố, vững chắc. Một phi đạo trên đất dài bẩy trăm bộ được khai quang trong vùng thung lũng phiá dưới, trên không đồ (aerial map) được đánh dấu là vị trí 85. ‘Tảng đá’ giữ nhiều điều bí mật được ba trăm lính đánh thuê Thái Lan và Mèo bảo vệ, trong khi người Hoa Kỳ ‘trong bóng đen’, có nghiã là nơi bí mật điều hành hệ thống radar của Không Lực Hoa Kỳ do hãng Lockheed chế tạo. Một hệ thống điều không tối tân, không những hướng dẫn các phi vụ oanh kích vùng bắc Lào mà có thể chỉ điểm những mục tiêu oanh kích nơi trung tâm thành phố Hà Nội.
         Đó là điạ điểm lý tưởng, cao hơn những ngọn đồi xung quanh và chỉ cách Hà Nội 160 dặm về phiá tây. Mặc dầu nằm sâu trong vùng địch kiểm soát và cách Sầm Nưá (Sam Neua) thủ đô của cộng sản Pathet Lào hai mươi lăm dặm. Được bảo vệ vững chắc chống lại mọi cuộc tấn công, ngoại trừ trường hợp bị tấn công ồ ạt bằng trực thăng, điều này ngoài khả năng của địch.
         Không lực Hoa Kỳ thiết lập hệ thống điều không trên’Tảng Đá’ bắt đầu từ năm 1966, mặc dầu không được đại sứ William Sullivan tán đồng, ông ta nghĩ rằng điều đó không bảo đảm, sẽ đưa đến hậu quả tai hại. Những nhân viên điều hành hệ thống ở một nơi không thể giải cứu được trường hợp bị địch quân tràn ngập. Năm 1967, Không lực Hoa Kỳ tu bổ thêm cho hệ thống với dàn radar mới nhất có thể hướng dẫn những phi vụ oanh kích đêm và dưới mọi điều kiện thời tiết. Khối dụng cụ nặng 150 tấn được đem đến do phi đoàn trực thăng tối mật của không lực Hoa Kỳ đồn trú trong căn cứ Udorn dưới danh hiệu ‘Pony Express’.
         Vấn đề phòng vệ ‘Tảng Đá’ tăng cường, mỗi tuần căn cứ được tiếp tế ba tấn nhiên liệu, bộ phận rời, thực phẩm và nước uống. Những hoạt động nhộn nhịp nơi ‘Tảng Đá’ làm cho địch để ý và quân trú phòng bắt đầu cảm thấy rất có thể bị tấn công.
         Ngày 12 tháng Giêng 1968, một trong những trận đánh ngoạn mục trên không trong suốt cuộc chiến. Không quân Bắc Việt dùng máy bay cánh đôi (đệ nhất thế chiến) do Nga sô chế tạo tấn công căn cứ. Những chiếc này tên là Antonov AN-2 Colts, cánh quạt bằng gỗ, khi lao xuống ‘Tảng Đá’, từ cửa sổ phi hành đoàn xả súng đại liên vào mục tiêu, và thả đạn súng cối xuống thay cho bom. Những chiếc phi cơ cổ lỗ sĩ này trở thành mồi ngon cho trực thăng của Air America. Viên phi hành trưởng mở cửa bắn ra một băng tiểu liên Uzi làm rơi một chiếc, chiếc thứ hai bị đuổi phải hạ cánh xuống một nơi cách căn cứ mười tám dặm về phiá bắc. Chiếc thứ ba đâm vào núi do trúng đạn hoặc phi công phát hoảng, phần đuôi của chiếc này mang số 665 được đem về trưng bầy trong một quán rượu của Air America ở Long Tieng như một chiến công.
         Mặc dầu thất bại trong trận tấn công bằng không quân, Bắc Việt đã chứng tỏ sẽ dứt điểm ‘Tảng Đá’ bằng mọi giá. Nhiều nguồn tin tình báo cho biết địch quân đang soạn thảo kế hoạch tấn công, tuy nhiên vì tầm mức quan trọng của căn cứ, các nhân viên Hoa Kỳ vẫn phải ở lại cho đến khi thực sự nguy hiểm.
         Để chuẩn bị tấn công bằng bộ binh, địch quân bắt đầu làm đường từ Sầm Nưá vùng cộng sản Pathet Lào chiếm đóng dẫn đến chân núi. Theo tin tình báo, quân Bắc Việt dự định cắt phi đạo, di chuyển những khẩu pháo đến vị trí, yểm trợ cho bộ binh tấn công lên núi. Quạ đen Art Cornelius là người đầu tiên khám phá ra con đường, những toán CIA ở dưới đất báo cáo hàng ngàn dân công làm đường dẫn đến ngọn núi Phou Pha Thi với tốc độ một cây số mỗi đêm. Bom thả xuống không hiệu quả, dân công làm đường ban đêm, vá lại những chỗ trúng bom và con đường càng ngày càng dài thêm. Đoàn quân di chuyển trên con đường mới đắp là ba tiểu đoàn của trung đoàn 766, chính quy Bắc Việt.
         Trận tấn công khởi sự vào lúc 6 giờ 15 chiều ngày 10 tháng Ba năm 1968. Đặc công đánh chiếm phi đạo trong thung lũng, trong khi pháo binh bắn phá khu vực phiá đông nam ‘Tảng Đá’, nơi những lính đánh thuê Thái Lan và du kích người Mèo đã chuẩn bị cho trận điạ pháo kéo dài cả đêm. Trong công thự phòng thủ kiên cố, chắc chắn có thể chịu đựng trận điạ pháo nặng nề nhất và cố thủ cho đến khi trời sáng. Lúc đó các chiến đấu cơ T-28 do phi công người Mèo lái và các quạ đen bay thám thính cơ điều khiển các phản lực cơ Hoa Kỳ ném bom các vị trí pháo binh Bắc Việt. Trên đỉnh núi, nhân viên thuộc Không Lực Hoa Kỳ nằm dưới giao thông hào trong khi hoả tiễn nổ xung quanh vị trí của họ.
         Địch quân không để cho trời sáng, mở đợt tấn công vào chính diện, từ chân núi tiến lên đánh dọc theo những triền núi. Trong khi đó cảm tử quân Bắc Việt làm chuyện không thể thực hiện được, leo lên từ nơi núi đá mọc thẳng đứng, tràn lên đỉnh nhưng sau đó bỗng dưng ngưng lại. Quân Hoa Kỳ bị bất ngờ không phòng thủ mặt sau, hầu hết đu giây tụt xuống, ẩn nấp trong những khe núi. Thiếu tá Stanley Sliz cùng với hai nhân viên ngủ quên trong hang, tỉnh giấc vào lúc 4 giờ 15 sáng khi nghe tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ và những âm thanh lạ trước miệng hang trên đầu họ. Sliz cùng hai nhân viên bò sâu vào trong hang gặp thêm hai quân nhân khác đã trốn trong đó. Một trung sĩ cầm M-16 cùng lựu đạn gác cửa hang, bất ngờ có sáu địch quân xuất hiện trên đầu anh ta.
         ‘Đợi tụi nó đến gần hãy bắn’, Sliz nói nhưng người trung sĩ đã khai hỏa làm lộ chỗ trú ẩn của họ. Từ trên cửa hang, lính Bắc Việt ném lựu đạn xuống nổ nhiều nơi nhưng núi đá cản miểng lựu đạn rất nhiều. Là những chuyên viên kỹ thuật, họ chỉ được huấn luyện sơ sài về tác chiến, Sliz nghĩ là không thể nào thoát chết ‘Người nằm bên phải tôi chết ngay tức khắc, người khác bên trái bị trúng đạn gẫy chân’. Người quân nhân này chết trên tay viên thiếu tá sau đó. ‘Gần chục trái lựu đạn ném xuống từ cửa hang... tụi tôi không có cách nào chống cự lại được’.
         Một toán quân người Mèo dưới sự chỉ huy của Huey Marlow cựu biệt kích mũ xanh mở cuộc phản công. Marlow bị điếc một phần và là nhân vật thứ hai trong toán nhân viên CIA. Ông ta điều động một toán quân người Mèo trang bị tiểu liên và lựu đạn đánh ngược từ dưới chân núi lên. Toán quân này phá hủy một khẩu đại liên và cứu thoát một người Hoa Kỳ trong toán hướng dẫn không trợ đang trốn trên đỉnh núi. Sau đó rút lui thoát được xuống chân núi. Marlow được ân thưởng huy chương Thập Tự Tình Báo (Intelligence Cross) cao quý nhất của cơ quan CIA cho chiến công của ông ta.
         Trận đánh kéo dài suốt đêm. Tại Long Tieng, các quạ đen nhận được tin qua máy truyền tin, thức dậy lúc bốn giờ sáng, cất cánh trong màn đêm bay đi vị trí (Lima Site) 36 gần Na Khang. Khi trời sáng, họ đã có mặt trên không phận ‘Tảng Đá’ điều động những phi cơ T-28 của Lào và phản lực cơ Hoa Kỳ oanh kích các vị trí địch, trong khi trực thăng của Air America bay vào ‘bốc’ lính đánh thuê Thái Lan và quân phòng vệ người Mèo còn sống sót. Quạ đen Art Cornelius trong nhiệm vụ điều không nói ‘Những tay phi công của Air America thật can đảm, bay những trực thăng một người lái, bay vào đem quân bạn ra. Trong khi những chiếc võ trang hai người lái Jolly Greens ngần ngại không dám vào. Họ cứ bay ở trên trời nhìn thấy rõ ràng những chuyện xẩy ra ở phiá dưới. Không lẽ bộ chỉ huy của họ ra lệnh đứng ngoài!’
         Đúng như đại sứ Sullivan lo ngại. Không lực đem nhân viên của họ vào ‘Tảng Đá’ bất chấp mọi điều chống đối, giờ đây được biết thêm là họ hết sức ngần ngại đưa trực thăng vào để cứu nhân viên của họ.
         Các quạ đen điều động oanh kích suốt ngày, bay cho đến khi hết xăng hoặc hoả tiễn khói đánh dấu mục tiêu, họ bay trở lại vị trí 36 để đổi máy bay khác rồi bay trở lại ‘Tảng Đá’ tiếp tục làm nhiệm vụ điều không. Họ bay đến 8 giờ tối mới bay trở về, sau khi chụp những tấm không ảnh về kết quả trận đánh. Không ảnh cho biết có khoảng bẩy hoặc chín người chết, trên mình vẫn còn dây đeo, có lẽ định đu dây xuống chân núi. Trận đánh này vẫn còn được giữ bí mật, cho đến ngày nay vẫn không biết đích xác bao nhiêu người Hoa Kỳ thiệt mạng. Chỉ có bốn quân nhân không quân được cứu thoát, như vậy có mười hai người  mất tích, số nhân viên bán quân sự của CIA  trên ‘Tảng Đá’ không được biết. Thân nhân của họ được báo tin là họ đã tử trận trong ‘Vùng Đông Nam Á Châu’.
         Sau trận đánh, các phản lực cơ thuộc Không Lực Hoa Kỳ tiếp tục dội bom để tiêu hủy dàn radar trên ‘Tảng Đá’ để không lọt vào tay địch. Trận đánh bom kéo dài một tuần, Art Cornelius nói ‘Làm tôi đau lòng’. Vụ ‘Tảng Đá’ bị mất không được nhắc đến và không báo cáo về Hoa Kỳ, đây là một thiệt hại đáng kể đối với người Hoa Kỳ. Một phần tư của những trận không tập ngoài Bắc Việt được điều khiển từ đó. (Vụ mất mát này có thể liên quan tới quyết định ngưng ném bom của Tổng Thống Johnson ngày 31 tháng Ba 1968, hai phần ba lãnh thổ phiá bắc của miền bắc Việt Nam, khu vực mà ‘Tảng Đá’ rất hiệu quả trong việc điều khiển các cuộc ném bom dưới bất cứ mọi thời tiết). Đối với người Mèo, việc mất ngọn núi thiêng ảnh hưởng nặng nề hơn khiá cạnh quân sự, thêm vấn đề tâm linh nữa. Tin mất Phou Pha Thi truyền đi từ làng này qua làng khác, tinh thần của nửa triệu người Mèo xuống dốc.
         Đây cũng là lúc bắt đầu giai đoạn khủng hoảng tinh thần của tướng Vang Pao. Trong năm năm từ 1963, ông ta chiến đấu một cuộc chiến qua lại (kéo cưa). Trong mùa khô, tháng Mười Hai đến tháng Năm, đất khô, địch quân mở trận tấn công và lui về thế thủ trong những tháng mưa, khi quân Mèo phản công lấy lại đất đai.
         Trong mùa khô năm 1967, cộng sản Pathet Lào cùng quân Bắc Việt làm thêm đường mới để dành quyền kiểm soát lâu hơn. Những đường mới xây này sẽ làm dễ dàng việc chuyển quân, vũ khí đạn dược, đồ tiếp liệu và vũ khí nặng. Quân Bắc Việt đưa vào vùng Sầm Nứa mười một tiểu đoàn để tăng viện.
         Việc giới hạn ném bom miền bắc, thêm thời tiết xấu làm cho những phi vụ oanh kích kém hiệu quả. Phi cơ chiến đấu nằm lì dưới đất không cất cánh được, những tiền đồn quân bạn mất đi từng cái một và quân của Vang Pao bị quét ra khỏi tỉnh. Sau khi vị trí 85 dưới chân ‘Tảng Đá’ lọt vào tay địch quân, các quạ đen lui về vị trí 36 tại Na Khang. Đây là căn cứ tiền phương xa nhất ở phiá bắc do 1500 quân Mèo phòng thủ.
         Địch quân được thời tiết xấu che chở, từ đầu tháng Năm, đưa năm tiểu đoàn vào gần Na Khang. Bỗng dưng thời tiết thay đổi, các quạ đen bay liên tục từ sáng đến tối, điều khiển trận oanh kích. Hàng trăm phi vụ phản lực oanh kích của không lực Hoa Kỳ bẻ gẫy mũi tiến quân của quân CSBV.
         Vị chỉ huy ở Na Khang là Trung Tá U Va Lee, một người bà con gần của tướng Vang Pao, người được tin tưởng nhất và cũng là một quân nhân cứng rắn. Người Hoa Kỳ đặt tên cho ông ta là ‘Da Đỏ’ (The Indian), ba mươi lăm tuổi U Va Lee dành gần hết cuộc đời cho chiến đấu, lúc nào cũng đeo khẩu M-16 cũng như thương gia xách cặp táp. Ông ta rất rành khu vực trách nhiệm, khi không chiến đấu, thường ngồi ghế sau bay với một quạ đen để xác định mục tiêu. Tướng Vang Pao cung cấp một toán quân, gọi là Backseaters hoặc Robins, ngồi sau các quạ đen trong những phi vụ thám thính để cố vấn về điạ thế, chỉ điểm quân bạn hay thù.
         Trong giai đoạn 1967 đến đầu năm 1968, Các quạ đen phải chịu đựng nhiều khó khăn. Không đủ nhân lực cũng như máy bay để đáp ứng nhu cầu cho sự leo thang chiến tranh. Truớc đây chỉ có bốn con bướm (chương trình cũ) hoạt động trên khắp đất Lào cho đến năm 1966, và các quạ đen chỉ đếm được sáu mạng. Con số này từ từ gia tăng, tuy nhiên vào lúc cực điểm của cuộc chiến số quạ đen vẫn không quá hai mươi hai người.
         Sam Deichelman đến Long Tieng vào đúng lúc cao điểm, được Art Cornelius đón tại cửa căn nhà lớn nơi các quạ đen làm nơi tạm trú. Deichelman có làn da tắm nắng, mái tóc vàng dài, thắt lại ở phiá sau kiểu đuôi heo như những thủy thủ ở thế kỷ mười chín. Mặc áo thun vẽ cảnh lướt sóng (Surf) bãi biển Waikiki, quần Jean bạc mầu, đi dép sandal và xách tay một túi da cá sấu lòi cây vợt tennis ra ngoài. Một ‘dân chơi’ lướt sóng (surf) bước vào giữa khu rừng của chiến tranh. Cornelius tự hỏi ‘Họ gừi đến cho bọn này cái gì vậy...?’.
         Khi Sam Deichelman bay lên trời, chàng chứng tỏ mình là người làm được việc, và các quạ đen khác chịu ngay, không cảm thấy khó chịu với bộ vó dân chơi lướt sóng của chàng. Là người rất cởi mở, chân tình, cặp mắt xanh chinh phục cảm tình tất cả mọi người, chàng như có điều gì bên trong hấp dẫn, lôi cuốn. Đàn bà mê chàng vì lịch sự, nhậy cảm và rất đẹp trai, đàn ông thích chàng vì chân thật và không lộ vẻ sợ nguy hiểm. 
         Deichelman là tay ba gai trong không quân. Cha là một vị tướng không quân, khi còn đi học bậc trung học, gia đình cư ngụ trong căn cứ không quân Maxwell, Montgomery, Alabama. Ông tướng muốn người con theo vết chân mình vào trường võ bị Không Quân, nhưng Sam nổi loạn. Chàng cuốn gói, bỏ nhà đi bụi đời, sống những ngày vui trong những năm cuối của thập niên 50 lang thang ở Cuba. Sau đó kiếm được một việc qua đường trên một thuyền buồm trên đường đi xuống phiá nam Thái Bình Dương, băng qua kênh đào Panama và Hawaii. Thành phố nghỉ mát Honolulu hợp với chàng, bỏ thuyền và trở thành tay chơi lướt sóng (surf) thượng hạng. Deichelman ghi tên trên đại học và lấy được bằng cấp về môn triết học.
         Dường như nghề lái máy bay có sẵn trong giòng máu, qua thời gian trèo những ngọn núi bên Tân Tây Lan, chàng quay trở về Hoa Kỳ gia nhập không quân và được huấn luyện trở thành phi công. Ông tướng rất hài lòng về cậu con trai thứ hai, em của Sam, tốt nghiệp trường võ bị Không Quân. Cả hai phải qua Việt Nam, Sam trở thành phi công Dơi Mù (Blind Bat), bay C-130 gunship ban đêm, dùng kính khuếch đại ánh sáng trăng tìm những xe vận tải di chuyển trên đường mòn. Khi đã để dành được ba mươi ngày phép, chàng học bay máy bay trinh sát (FAC). Nếu có ai mà định mệnh bắt buộc phải phục vụ trong chương trình Steve Canyon, người đó là Sam Deichelman.
         Chàng rất vui ở trên đất Lào, sâu trong rừng giữa cuộc chiến tương tàn, cuối cùng Sam đã tìm được mái ấm gia đình. Chàng mến người Mèo và được họ tin tưởng, thán phục. Sau những giờ bay mệt mỏi, khi trở về căn cứ, Sam ghé lại chỗ nuôi trẻ mồ côi, phát kẹo và dành buổi tối chơi với trẻ con. Ai cũng đồng ý có điều tốt, dễ thương nơi Sam Deichelman và cũng là một chiến sĩ không biết sợ.
         Có quá nhiều trẻ mồ côi ở Long Tieng và cũng không dự tính trước, các quạ đen đỡ đầu một đứa con nuôi, vì không biết tên, nên đặt tên là Oddjob (Công việc bất thường). Nó thường hay bám lấy Larry Clausen nhân viên truyền tin và anh ta phải đóng một cái giường nhỏ cho đứa bé. Khi khám phá ra tên thật đứa nhỏ là Lor Lu do đó tên gọi chính thức cho đứa bé là Lor ‘Oddjob’ Lu. Trong lúc chiến tranh, đứa bé được các quạ đen dành cho tất cả tình thương. Người nào cũng nói đến cục cưng bốn tuổi trong những lá thư gửi về thăm nhà. John Mansur viết cho vợ ‘Nó đi xe đạp ẩu lắm! Thằng nhỏ rất là gọn ghẽ. Trong vòng hai tháng nó đã biết bầy tỏ sự yêu thương, gắn bó với bọn anh’. Khi một quạ đen bay đi Udorn để lấy thư, lúc trở về chiếc O-1 chứa đầy những thùng giấy đựng quần áo, đồ chơi trẻ con.
         Các quạ đen vẫn tiếp tục bay nhiều giờ mỗi ngày vì chiến cuộc leo thang. Không lực đã nhấn mạnh rằng mỗi chiếc O-1 đều phải đem trở lại Udorn sau mỗi trăm giờ bay, thường không tới mười ngày. Những lỗ đạn trên thân máy bay được dán lại tạm thời để xử dụng. Cơ phận để thay được gửi đến rất chậm, nhiều khi máy bay phải nằm chờ mặc dầu rất cần nơi chiến trường. Nhiên liệu chứa trên vùng rừng núi thường bị lẫn bụi và sét. Vấn đề bảo trì rất bết, các quạ đen cảm thấy như là phải chiến đấu trên hai trận tuyến, quân thù nơi phiá bắc, văn phòng tùy viên không lực và tòa đại sứ ở phiá nam.
         ‘Không một lần nào khi tôi là quạ đen mà những nhân viên trong tòa đại sứ đến Alternate (Long Tieng)’ Tom Shera nói thêm ‘Họ không dám lên đây. Họ không biết gì hết, hoàn cảnh, điều kiện chúng tôi phải bay. Họ cũng không biết ơn cho cuộc sống hàng ngày của bọn này. Tụi tôi phải sống trong căn nhà xây bằng đất, ngủ trên những sạp gỗ. Trên vùng núi non, mùa đông lạnh dưới zero độ, không có máy sưởi phải đốt gỗ. Nhà vệ sinh cũng không có, mỗi buổi sáng phải đập lớp đá đóng băng trên thùng nước, rồi đun sôi để có nước nóng tắm. Tụi này cũng phải tự mua đồ ăn, đem về nấu nướng và rửa bát lấy.  
         Hệ thống radio, máy truyền tin cũng cũ kỹ, vấn đề tiếp liệu cho các quạ đen phải đi cửa hậu, đường ngầm. Một người rất có cảm tình với các quạ đen là thượng sĩ Patrick Mahoney làm việc trong bộ chỉ huy chiến thuật sư đoàn 7 Không Quân trong phi trường Tân Sơn Nhất, ba anh dũng bội tinh với ngôi sao đồng trong chiến tranh Triều Tiên. Mahoney rất mến những quân nhân trong những cuộc hành quân đặc biệt hoặc chiến tranh ngoại lệ. Tình nguyện sang Việt Nam từ năm 1966, đã bay 250 phi vụ tản thương trước khi bị bắn rơi trước lễ Noel bốn ngày. Thường bay những chuyến cho Lực Lượng Đặc Biệt và được gắn huy chương trong một tiền đồn biên phòng, điều rất hiếm trong không quân.
         Mahoney cũng là nhân vật bí mật cho những cuộc chiến bên ngoài (Việt Nam) Lào, Campuchia và Thái Lan. Được vị tướng không quân tuyển chọn vì có kinh nghiệm trong những cuộc hành quân ngoại lệ. ‘Tôi được nghe nói đến VP (Vang Pao) và quạ đen, rồi nghe đâu họ không có đủ máy truyền tin’ Mahoney kể lại. Phương pháp ‘chôm’ đồ của Mahoney cũng đặc biệt, có lần đeo lon trung tá dẫn đàn em vào một khách sạn sang trọng tại Saigon, nơi các nhân viên tòa đại sứ cư ngụ, nói với nhân viên nơi bàn giấy là cần xem lại hệ thống máy lạnh. Ông ta rời khách sạn với mười lăm máy điều hòa không khí, mà sẽ được chất lên phi cơ bay đến một trại biên phòng của Lực Lượng Đặc Biệt cùng ngày.
         Mahoney cũng đi cửa hậu qua những kho chứa đồ thặng dư của quân lực Hoa Kỳ để giúp đỡ đàn quạ đen và người Mèo. Hàng trăm bộ quân phục rằn ri và vũ khí được máy bay bí mật chở đến Long Tieng, có lần suýt bị lộ tẩy, một chiếc T-39 chở đầy súng ống, tiểu liên Sten với ống hãm thanh Ăng Lê, M-16 và súng lục 9 ly trên đường bay đi Lào. Mahoney còn quen biết một trung sĩ trông coi bãi chứa súng đại bác và trong vòng bốn ngày, ông ta gửi đi mười khẩu. Mahoney nói rằng ‘Đó là điều giúp đỡ, ai cũng biết. Khi nói chuyện với các quạ đen đang đi trong thung lũng tử thần, họ sẽ hiểu. Các  quạ đen không vị kỷ cá nhân, rất đáng ngưỡng mộ’.
         Trở lại Long Tieng, các quạ đen vẫn phải bay mười tiếng mỗi ngày. Tại Na Khang, địch quân sắp sửa tiến quân đến gần chu vi phi trường. Tom Shera cất cánh trên một chiếc U-17, Cessna do không quân biến cải để đem theo hỏa tiễn. Hai chỗ ngồi cạnh nhau, Shera đem theo một lính đánh thuê Thái Lan định bay về hướng bắc. Máy bay vừa cất cánh bỗng dưng mất sức mạnh vì xăng bị dơ, chàng biết rằng sẽ không bay qua khỏi rặng núi. Phi đạo ở Na Khang giống như lòng chảo, Shera cố gắng đáp xuống nhưng không được, cánh bên trái chạm mặt đất, trợt ra ngoài bãi mìn, cả hai cánh và phần đuôi bị gẫy. May thay không trúng quả mìn nào, người Thái hoảng sợ, Shera vẫn bình tĩnh biết rằng không dám di chuyển một bước, đợi một trực thăng của Air America đến câu họ ra.
         Shera được nghỉ một bữa, ngày hôm sau chàng bay trở lại. Lần này trúng một viên vào động cơ máy bay, vỡ một bu gi, máy bay bắt đầu rung, mất dần cao độ và Shera phải hạ cánh khẩn cấp. Phi trơ ăn thêm hàng loạt đạn lúc hạ cánh. Một trực thăng của Air America đem theo chuyên viên cơ khí đến sửa chữa, tất cả mọi dụng cụ trong phi cơ kể cả máy vô tuyến được tháo ra để máy bay nhẹ đi dễ cất cánh. Shera đợi cho máy nổ lên đến cực độ rồi cất cánh trước những tràng súng nhỏ của địch quân. Trong trận thế chiến thứ nhất, nghiệp bay kể như chấm dứt nếu một phi công bị rơi hai lần, Shera được nghỉ một tuần để lấy lại tinh thần. Shera sau hai vố liên tiếp, chàng đi Bangkok để hồi sinh.
         Những vụ rớt máy bay làm các quạ đen nổi giận đối với phòng tùy viên không lực (văn phòng này không lo lắng gì cho sinh mạng các phi công), họ bầu một người làm trưởng toán với hy vọng sẽ hàn gắn sự cách biệt giữa nhân viên sứ quán và các quạ đen. Người được đề cử vào chức vụ này là Tom Richards, vào không quân để được ‘ấm-áp’. Đã từng tham chiến trong trận chiến Cao Ly, một hôm ngồi trong hố cá nhân lạnh lẽo nhìn những oanh tạc cơ thả bom, chàng chỉ ao ước được làm một phi công lái tầu bay... lỡ có chết cũng ấm áp.
         Richards trông giống như Steve Canyon, cao ráo, gọn ghẽ, đẹp trai, lộ phong cách chỉ huy. Chàng phục vụ ở Pakse sáu tháng, nơi có tiếng là lè phè, yên tĩnh, vùng trách nhiệm của quân đội Hoàng Gia Lào (Lục, Không Quân), tham nhũng và vô dụng. Pakse là quân khu IV, trái ngược với quân-khu II, nơi người Mèo chiến đấu hết sức gay go, can đảm.
         ‘Không Lực Lào dùng máy bay quân sự chở thường dân để kiếm tiền bỏ túi, chở vàng hoặc thuốc phiện’, Richards nói thêm ‘Tôi không trọng đám đó. Tôi làm việc của tôi, không phải để lo cho họ. Tình cảm, của tôi dành cho dân chúng, nhất là người Mèo trên vùng cao nguyên đang chống lại việc khó khăn. Các quạ đen không được phép lái loại oanh tạc cơ T-28, tuy nhiên các phi công Lào vẫn còn trên giường lúc khẩn cấp và không hiệu qủa khi bay, Richards đành phải phá lệ. Khi tìm thấy mục tiêu và các phi công Lào không dám lao xuống, chàng bay về căn cứ, leo lên chiếc T-28 khác tự mình bay đi thả bom. Khi Richards trở nên trùm quạ đen, chàng bay bất cứ chỗ nào cần và thay thế những quạ đen khác đi phép.
         Một trong hai điều các quạ đen thường gặp. Khi bay quá nhiều giờ bay, trúng đạn nhiều, họ trở nên quá cẩn thận (sợ) hơặc quá liều lĩnh. Sam Deichelman là người coi thường mạng sống. Trong một phi vụ trên đường số 4 đông nam Cánh Đồng Chum có Vong Chou một người bà con của tướng Vang Pao tháp tùng. Chiếc máy bay bị trúng một loạt đạn, một viên đi xuyên qua máy bay, làm gẫy tay Vong Chu và trổ ra ngực, xuýt tí nữa vào đầu Deichelman. Vong Chou bị thương nặng và mất nhiều máu, Deichelman tức tốc bay trở về. Vong Chou bị hai vết thương nặng ở tay và ngực, hy vọng sống còn rất thấp. Ba ngày sau đó Deichelman ngồi bên cạnh giường Vong Chou cầu nguyện và có lẽ linh cảm được tình bạn, Vong Chou chiến thắng tử thần.
         Không Lực Hoa Kỳ giao cho chương trình Steve Canyon một chiếc O-1 khác và Deichelman được chọn quay trở về Việt Nam lấy chiếc máy bay đó đem sang Lào. Vào tháng Chín, chàng đến căn cứ không quân Biên Hòa nơi người em trai phục vụ, dự định dành mấy ngày phép với người em sau đó lái chiếc O-1 trở về. Hai anh em gặp nhau mừng rỡ, sau đó Deichelman lên chiếc máy bay thám thính bay sang đất Lào và mất tích.
         Sam Deichelman không bao giờ trở lại với các chiến hữu quạ đen, nỗi buồn càng thêm lớn, ít lâu sau lúc được tin người em của  Sam tử nạn khi hai chiếc máy bay đụng nhau trên không phận Việt Nam. Vị tướng không quân trả một giá đắt khủng khiếp, muốn hai người con trai noi gương mình.
         Sự tổn thất lên cao. Hai tuần lễ đầu rất nguy hiểm, phi công bay những phi vụ thám thính dễ bị bắn rơi vì chưa am hiểu tình hình, điạ thế trên đất Lào. Những người qua khỏi sẽ phải bay hết trận này đến trận khác cho đến khi trở nên những phi công tài ba, lỗi lạc nhất trên thế giới. Trong chương trình Steve Canyon cũng không có chuyện ‘hết kỳ hạn’, nghỉ ngơi và giải trí bên Hong Kong hoặc ở Úc. Không có dấu hiệu chiến tranh sẽ chấm dứt, những phi công người Mèo nói rất thường tình ‘Bay cho đến chết’.
         Trong những phi công Người Mèo, một người nổi bật lên. Đó là Lee Lue, anh em họ của Vang Pao làm nghề dậy học ở Long Tieng trước khi học bay. Lue là một trong những phi công đầu tiên của dân tộc Mèo, kinh nghiệm đầy mình. ‘Ông ta là phi công chiến đấu, thả bom giỏi nhất mà tôi từng biết’, quạ đen John Mansur nói thêm ‘kể cả người Hoa Kỳ hay mọi quốc tịch’. Là một người thầm lặng, không có phi vụ nào quá nguy hiểm cũng như không thời tiết nào quá xấu đối với anh ta. Trung tá Howard Hartley của Air Commando (Hàng Không Cảm Tử) nói về Lee Lue như sau ‘Anh ta là một trong những người can đảm nhất mà tôi được biết. Một phi công tài ba, xuất chúng’. Nhiều phi vụ nổi tiếng làm các phi công Hoa Kỳ mắc cỡ.
         ‘Lần đầu tiên làm việc với Lee Lue, anh ta chúi xuống với hai quả bom 750 cân anh’. Art Cornelius nói thêm rằng ‘Và anh ta xuống rất thấp, không thể nào trật mục tiêu. Khó có thể tin được’. Sau đó Cornelius bay đi Vạn Tượng (Vientiane) để được gặp Lee Lue. Một lần bị bắn rơi trên Cánh Đồng Chum được một trực thăng H-34 của Air America cứu thoát. Các quạ đen rất thích làm việc với Lee Lue, còn hơn với các phi công Hoa Kỳ khác. John Mansur có lần khám phá được một ổ súng cao xạ và điều động hai chiếc Phantom F4-C của không lực Hoa Kỳ đánh không xong cho đến khi Lee Lue bay vào vùng. Mấy chiếc F4 thả bom trên một độ quá cao nên không trúng cho đến khi hết bom, hỏa tiễn. ‘Để đó cho tôi!’ Lue nói với Mansur, chàng quạ đen này vẫn còn do dự không muốn chiếc máy bay chậm T-28 làm mồi cho phòng không địch nhưng Lee Lue vẫn cương quyết ‘Để tôi làm. Không có gì khó khăn hết’.
         Biết là không ngăn được, Mansur ra lệnh cho hai chiếc Phantom ‘Lên cao. Coi một phi công chiến đấu thứ thiệt đánh đấm’. Lue bay lên cao lấy hướng súng rồi đâm thẳng xuống, nhẹ tay thả một quả 500 cân anh, cây phòng không biến mất trên mặt đất. Mấy tay phi công Hoa Kỳ lác mắt được xem một pha ngoạn mục, Lee Lue vẫy cánh chào rồi bay đi tìm mục tiêu khác. Một phi công F4 hỏi Mansur ‘Ê quạ đen, Tay nào vậy?’
         Sau lần rớt máy bay thứ hai, Tom Shera được thuyên chuyển đến cố đô Luang Prabang, một nơi tương đối yên tĩnh. Chàng đến thay cho Marlin Siegwalt chỉ còn một tuần nữa là hết nhiệm kỳ. Hai người bay về hướng bắc, đường 19 phát xuất từ Điện Biên Phủ. Shera ngồi đằng sau, Siegwalt ngồi trước lái máy bay. Khi bay ngang qua một rặng núi cao, một viên đạn xuyên qua thân máy bay trúng tay phải của Seigwalt và tiếp tục đi vào ngực. Khi bị trúng đạn, như phản xạ, chàng kéo cần điều khiển về phiá sau làm cho chiếc O-1 bay thẳng đứng lên trên bầu trời. Ngồi sau, Shera biết là bạn không còn điều khiển chiếc máy bay được nữa, chàng xử dụng cần lái phụ điều khiển chiếc O-1 bay trở lại Luang Prabang.
         Phi trình 45 phút dài như mãi mãi, Shera gọi Cricket yêu cầu chuẩn bị máy bay tản thương. Khi đáp xuống, Seigwalt ngồi gục phiá trước, một chiếc C-123 máy nổ sẵn chờ đưa Siegwalt vào bệnh viện ở Udorn cấp cứu. Một xe Jeep quân y chạy lại chiếc O-1 khi chiếc này ngưng ở cuối phi đạo nhưng đã quá muộn.
         Chỉ còn một tuần cũng không thoát chết, các quạ đen bắt đầu tin tưởng nơi số mạng, vận may và định mệnh. Siegwalt được thay thế bởi Charles Ballou năm ngày sau. Không hiểu sao, các quạ đen gọi Ballou là Bing, anh chàng có vẻ hăng say muốn ra trận ngay. Một thời gian ngắn sau, phi cơ do Bing lái trúng đạn phải ráng lết chiếc O-1 về Alternate (Long Tieng đại bản doanh của Quạ Đen). Đạn trúng vào động cơ, làm chiếc máy bay dường như hết xăng phải tìm bãi đất trống đáp khẩn. Không điều khiển được chiếc O-1 nâng mũi lên cao, chiếc phi cơ đâm vào sườn núi. Bing chết ngay tức khắc, người Mèo ngồi sau được cứu sống, chàng mới đặt chân trên đất Lào được năm ngày.
         Sam Diechelman được thay thế bởi Ron Rinehart được các bạn đặt tên là Papa Fox. Chàng quạ đen mới đến vào đúng lúc mở màn cho giai đoạn phản công của tướng Vang Pao nhằm lấy lại ngọn núi thiêng Phou Pha Thi. Ông tướng cho rằng tương lai của sắc dân Mèo lệ thuộc vào ngọn núi và dự trù sẽ tung một nửa quân số của ông ta vào trận địa. Cố vấn thân cận của tướng Vang Pao là Pop Buell khuyên là không nên vì các chiên sĩ Mèo đã quá mệt mỏi và tinh thần xuống rất thấp.
         Trùm quạ đen ở Long Tieng lúc đó là Dick Shubert, Rinehart cùng với John Mansur và Paul Merrick làm thành bốn quạ đen. Trách nhiệm bao vùng trong trận tái chiếm Phou Pha Thi được giao cho Rinehart, cuộc hành quân mang tên là Pig Fat (Mỡ Heo). Quân Mèo phát xuất từ Na Khang (Vị trí 36) di chuyển đến vị trí tấn công. Các phi tuần phản lực dội bom liên tục trên vị trí địch không ăn thua. Quân Mèo đem pháo binh vào vị trí và chuẩn bị một trận đánh phối hợp bằng không vận và du kích nhưng bị mưa pháo bằng súng cối. Mặc dầu quân địch không quá ba trăm, ẩn sâu dưới hầm khi phản lực cơ ném bom và trồi lên đẩy lui nhiều đợt xung phong của quân Mèo.
         Rinehart điều động hơn một ngàn phi vụ của Hoa Kỳ, Lào và Mèo trong một tháng bay 280 giờ. Nhiều hôm phải ngồi hơn mười bốn tiếng trong buồng lái. Các phi tuần oanh kích không ngừng, đôi lúc có đến sáu phi tuần trên mục tiêu đợi đến phiên ném bom. Hai bên cửa sổ buồng lái chiếc O-1 đầy nét bút chì mỡ, Rinehart dùng để theo dõi trận không kích. Đến khi hết xăng, chàng bay về căn cứ tiếp tay nhân viên bơm xăng, gắn hỏa tiễn vào máy bay để bay trở lại chiến trường thật nhanh.
         Quân Bắc Việt vẫn giữ vửng ngọn núi. Sự tổn thất của quân Mèo gia tăng. Không quân cũng vậy, gặp ngày xui, trong vòng bốn tiếng đồng hồ, một phản lực cơ Phantom F-4 đâm thẳng vào sườn núi với một góc 45 độ, một Skyraider trúng đạn phòng không rớt, một trực thăng đến cứu cũng bị bắn hạ. Hôm khác hai chiếc Thuds (F-105) và một trực thăng bị bắn rơi. Rinehart làm việc với các phi tuần oanh kích cho đến khi gần hết xăng mới bay trở lại căn cứ, có hôm nhân viên dưới đất phải đẩy chiếc O-1 hết xăng đến trạm bơm xăng. Người ngồi sau là trung tá U Va Lee chỉ huy căn cứ Na Khang, nhiều lần phát hoảng, cuối cùng phải nói với Rinehart ‘Tôi không đi bay với anh nữa. Anh muốn giết tôi’.
         Đến cuối tháng, Papa Fox (Rinehart) được nghỉ hai ngày trong căn cứ Udorn. Tại câu lạc bộ O (Officers), quạ đen không bao giờ phải trả tiền, các phi công F-4 mở tiệc cho chàng. Papa Fox đi giầy da cá sấu, quần da cá mập, áo mầu mè Philipines. Một vị đại tá trong câu lạc bộ thấy gai mắt ra lệnh tống cổ ‘tên ma cô Philipines’ ra khỏi câu lạc bộ. Một người khác ghé tai ông ta nói nhỏ ‘Nó là quạ đen!’, vị đại tá ầm ừ rồi lờ đi. Ngày hôm sau, chiến trường sôi động, Papa Fox được lệnh trở về ngay lập tức.
         Vẫn trong bộ quần áo ‘ma cô Philipines’, Rinehart leo lên chiếc O-1 bay trở lại Long Tieng, chàng ghé Na Khang đón người ngồi sau (Mèo), không ai dám đi bay với chàng ngoại trừ một người bị chỉ định. Hai người bay về hướng bắc gần biên giới Tàu tìm vị trí đặt súng của địch, sau đó bay về. Lúc bay ngang qua một rặng núi, phi cơ trúng đạn nơi động cơ và máy ngừng chạy. Người ngồi sau sợ hãi, kinh hoàng trong khi Papa Fox nhìn xuống tìm bãi đất trống để đáp. Nhìn thấy hai thửa ruộng nhỏ, chàng gọi Cricket báo cáo khẩn rồi lấy hướng xuống. Cả hai đều sống sót, người Mèo nhẩy lên ôm cổ Papa Fox hôn ‘Ông là số một. Là ông Phật’.
         Hai người bị lính bộ binh Bắc Việt săn đuổi chạy trối chết, lẩn vào đám cỏ tranh (cỏ voi) cao hơn đầu người, lúc gần kiệt sức thì được một trực thăng của Air America cứu thoát. Papa Fox nốc một hơi hai bi đông nước, một phi công hỏi ‘Anh có sao không?’ (Are you OK?), chàng trả lời ‘Vâng. Cám ơn’ (Yeah! Thanks). Về đến nơi trú ngụ của các quạ đen, Papa Fox định ngồi xuống viết về kinh nghiệm của mình, bỗng dưng tay chân phát run, cầm bút không được, chàng phải cầm chai rượu lên tu. Hai quạ đen khác không biết chuyện gì hỏi ‘Đã trễ rồi ăn gì chưa?’, chàng trả lời ‘Chắc vậy’ rồi lặng lẽ vào bếp nấu cơm.
         Vào lễ Tạ Ơn (Thanks Giving) 1968, quân Mèo vẫn chưa lấy lại được Phou Pha Thi hoặc những rặng núi thấp hơn ở xung quanh. May mắn là những gì bí mật không biết trước được, nhiều tay kinh nghiệm gần hết nhiệm kỳ vẫn rụng như thường, người khác thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
         John Mansur bỗng dưng cảm thấy hơi khác thường, cõ lẽ bắt đầu biết sợ tử thần hay có điềm gì sợ hãi bên trong làm cho chàng quyết định đội nón bay. Trong một phi vụ thám thính hồ Roadrunner để quan sát Sứ Mạng Văn Hóa của người Tầu ở Khang Khay. CIA được báo cho biết rằng địch đã đem súng đại bác cỡ lớn vào trong làng và sẽ di chuyển đến vị trí khi đêm xuống. Mansur bay thật thấp để tránh những ổ phòng không 37 ly. Một viên đạn bay qua cửa sổ trúng vào nón bay của chàng, không còn nhìn thấy gì trước mắt. Thoạt tiên, Mansur tưởng mình bị trúng vào mắt, kéo miếng kính che mắt lên, chàng cảm thấy máu tuôn xuống mặt ‘Chuá ơi! Tôi bị mù’.
         Theo tâm linh, chàng kéo cần lái cho máy bay lên cao mặc dầu biết sẽ là mục tiêu ngon lành cho các loại súng của địch. Cố gắng chống lại hãi hùng, tử thần, Mansur gọi Air America cầu cứu nói rằng đã trúng đạn và không còn nhìn được nữa. Ngay tức khắc một chiếc máy bay khác bay đến gần Mansur cũng với giọng rất bình tĩnh ‘Chào quạ đen. Coi bộ ông bạn gặp chuyện rắc rối thứ thiệt’. Sau đó người phi công bạn chậm rãi hướng dẫn chiếc O-1 lâm nạn ra khỏi vùng nguy hiểm và hướng về Alternate (Long Tieng). ‘Rẽ phải... Thêm chút nữa... Đẩy cần về phiá trước... nhẹ thôi, nhẹ thôi... Rồi, xong ngay’.
         Khi đến phi đạo, Mansur ráng chịu đau, mở khẽ được một mắt và dưới sự hướng dẫn của ông bạn qúy hoá cùng nhân viên dưới đất, chàng đáp xuống an toàn. Một chiếc Jeep đã chờ sẵn chạy lại chiếc O-1, lôi Mansur ra khỏi máy bay rồi đưa chàng sang một chiếc CH-53 Jolly Green bay qua Udorn. Khi đến bệnh viện, Mansur được đặt nằm trên một chiếc ghế trong phòng nha sĩ và bác sĩ mất tiếng đồng hồ gắp những mảnh kính vỡ dính trong mắt chàng. Chiếc nón bay được trao lại cho Mansur để làm kỷ niệm. Sau hai tuần lễ điều trị, Mansur trở lại Vientiane trình diện, vị trưởng phòng tùy viên không lực có vẻ thông cảm ‘Anh muốn lên phiá bắc trở lại không hay nghĩ lại?’. Mansur trả lời ‘Có lẽ tôi đã xài hết những điều may mắn’.
         Sau nhiều nỗ lực thất bại trong trận phản công tái chiếm ngọn núi thiêng Phou Pha Thi, quân Mèo bị tổn thất nặng và tướng Vang Pao đành phải bỏ ý định. Sáu ngàn người Mèo đã được di tản về vùng an ninh. Vào ngày lễ Noel 1968, Bắc Việt đưa ba tiểu đoàn mới vào càn quét những cánh quân còn lại của tướng Vang Pao, quân Mèo phải lui về Na Khang. Tướng Vang Pao đã bỏ nhiều vốn vào việc tái chiếm ngọn núi thiêng, làm thiệt hại nhiều nhân mạng của thuộc cấp. Cuộc bại trận làm tinh thần dân Mèo xuống dốc, riêng tướng Vang Pao rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
         Pop Buell cố vấn thân cận của tướng Vang Pao lái xe từ Sam Thong đến gặp tướng Vang Pao tại Alternate (Long Tieng). Bình thường ông ta được chào đón niềm nở bởi các sĩ quan và các bô lão người Mèo, lần này chỉ có mình Vang Pao trong bộ quần áo luộm thuộm.
        - Mọi người đâu cả rồi?  Pop đặt câu hỏi ngay khi thấy ông tướng.
        - Họ sợ phải đến đây. Sợ gặp tôi. Tôi không còn mặt mũi nào đối với dân tộc, với thế giới.
        Pop cố gắng an ủi, những chiến sĩ can đảm, những người trung thành, thân tín của Vang Pao giờ đây đã mất. Đạo quân của ông ta giờ chỉ còn lại những người lính mười hai tuổi. Nhiều chiến sĩ sống quá ngắn để biết sợ.
        - Tôi là tướng người Mèo Vang Pao. Quốc vương Lào tin tưởng nơi tôi, Hoàng tử Souvanna Phouma tin tôi. Họ công nhận tôi, một người Mèo quê mùa vào làm việc trong ủy ban cố vấn của nhà vua. Bây giờ tôi là kẻ bại trận. Tôi không còn là một danh tướng Mèo nữa.
         Lần đầu tiên trong cuộc đời, kể từ khi khôn lớn, tướng Vang Pao khóc.


VI.   SỨC MẠNH CỦA KHÔNG QUÂN.
         Vào đầu năm 1969, Bắc Việt gửi toàn bộ sư đoàn 316 sang Lào, các đơn vị thuộc sư đoàn này trước đây luân phiên nhau qua Lào hành quân. Tình báo ước lượng quân Bắc Việt và Pathet Lào tăng lên từ 51000 lên quá 110000 quân trên đất Lào. Bắc Việt có khoảng 34000 quân, 6000 cố vấn, 18000 thuộc đơn vị hậu cần và 13000 công binh để làm đường.
         Địch quân tiến đến những chân đồi trong vùng Cánh Đồng Chum, đem theo chiến xa và pháo binh 130 ly có khả năng bắn phá Long Tieng với tầm tác xạ ba mươi cây số. Cánh Đồng Chum (Plaine de Jarres) như người Pháp đặt cho, là một bình nguyên đẹp đẽ rộng bốn mươi dặm nằm trên cao độ ba ngàn bộ (feet), với những đồi thoai thoải có cỏ bao phủ, trải dài một vùng diện tích hơn 500 dặm vuông. Những cái chum bằng đá khổng lồ được đặt tên cho vùng bình nguyên, có lẽ dùng trong việc ma chay của một nền văn hóa. Các nhà khảo cổ cho rằng những cái chum đó được xây hơn hai ngàn năm, được làm bằng loại đá xám không có trong vùng cũng như khu vực lân cận. Một điều khác thường khác là mặc dầu chiến tranh, bị nhiều trận mưa bom nhưng không có chum nào bị hư hại trong suốt cuộc chiến.
         Đầu tháng giêng, Dick Shubert điều khiển một trận không tập sát bià Cánh Đồng Chum. Từ trên cao nhìn xuống, Shubert thấy rõ ràng hệ thống hầm hố mới đào của địch, nhiều hầm lớn chứa đạn pháo binh, hỏa tiễn 122 ly. Trong lúc các phi tuần đánh bom trên các vị trí quân Bắc Việt, nhiều tiếng nổ phụ vang dội ở dưới đất, suốt ngày đêm, cứ mỗi phút có tám mươi tiếng nổ do bom đánh trúng hầm đạn pháo binh. Nhờ vậy Long Tieng tránh khỏi một trận tấn công của địch. Công dã tràng, quân Bắc Việt đổi hướng tấn công về vị trí 36 Na Khang và bao vây căn cứ này.
         CIA soạn thảo một kế hoạch phản công nhằm cắt đứt quân tiền phương Bắc Việt với đơn vị hậu cần và đẩy lui địch về phiá bắc Na Khang. Cuộc hành quân lấy tên là Đêm Tám Mươi (Nighty Night), phát xuất từ vị trí 108, bộ chỉ huy của phe trung lập tại Muong Soui, phiá tây Cánh Đồng Chum. Quân đội Hoa Kỳ đặt một sĩ quan làm việc với tướng Kong Le (trung lập). Joe Bush, một đại úy Biệt Động Quân trên giấy tờ là phụ tá phòng tùy viên quân lực của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trong căn cứ này còn có một vị trí pháo binh Thái Lan. Để chuẩn bị cho trận phản công, hai chiếc lều lớn được dựng lên, chứa năm mươi nhân viên truyền tin, cơ khí, xe cơ giới và Air America đem vào bom đạn để dự trữ.
         Theo kế hoạch, quân trung lập sẽ phát xuất từ vị trí 108, phối hợp với quân du kích của tướng Vang Pao tiến lên từ hướng nam qua Cánh Đồng Chum đẩy lui quân Bắc Việt. Không yểm sẽ do các phi công Lào, Mèo và Thái Lan bay những chiếc T-28 cất cánh từ Muong Soui thay vì Vientiane. Quạ đen nhận lãnh trách nhiệm điều không trong trận này là Fred Platt, vừa mới đến được một tháng.
         Platt đem đến Long Tieng ba chiếc O-1 (trong phần trước) và cũng phá kỷ lục về chuyện rớt máy bay. Đủ mọi lý do, hỏng máy, đáp khẩn, bị trúng đạn, Platt bị gẫy cánh tất cả mười một lần. Kỷ lục đối với các quạ đen và có lẽ cho trận chiến Đông Dương. Trước đây Platt mua được ba chiếc máy bay với giá ba đồng, pháo binh Thái Lan cũng có một chiếc O-1 không biết để làm gì, cuối cùng bán cho Platt với giá một trăm đồng. Trong cuộc hành quân Đêm Tám Mươi, có lần Platt làm việc quên nghỉ, quên thời gian. Đáp xuống ban đêm trên một phi đạo ngắn như ở Long Tieng là điều không nên, tuy nhiên chỉ cần đèn xe Jeep đánh dấu cuối phi đạo, Platt đã đáp xuống an toàn.
         Chỉ cần nghỉ ngơi vài giờ, Platt dặn nhân viên truyền tin đánh thức lúc bốn giờ sáng để chuẩn bị bay cho ngày hôm sau. Người nhân viên truyền tin đập cửa phòng, đánh thức chàng dậy vào lúc hai giờ sáng. Muong Soui bị tấn công, Platt cất cánh trong màn đêm, hướng về vị trí 108, báo cáo trên hệ thống truyền tin cho biết đặc công địch đã vào được bên trong căn cứ, viên đại úy Biệt Động Quân Joe Bush bị thương. Các phi tuần A-1 Skyraiders được hỏa châu soi sáng nhào xuống đánh bom làm cho đặc công phải rút. Trong khi đó Air America ra vào tấp nập di tản người Hoa Kỳ.
         Khi trời sáng, Platt đáp xuống Muong Soui, đặc công Bắc Việt vào được phi đạo và phá hủy kho chứa bom. Một trung sĩ Mỹ đen bị thương nặng nhưng không chết. Joe Bush thức giấc khi nghe hỏa tiễn nổ gần đó, chụp vội khẩu tiểu liên Thụy Sĩ chạy ra cửa sau, đúng lúc hai đặc công xông vào, Bush giết chết cả hai bằng lựu đạn. Bush chạy ngược trở lại cửa trước, hứng mấy viên AK-47 ngã xuống, quân Bắc Việt tưởng chết nên bỏ qua. Cuộc hành quân Đêm Tám Mươi phải hủy bỏ để lo cho số phận Muong Soui.
         Trân đánh giằng co kéo dài khoảng mười ngày, quân Bắc Việt mở đợt tấn công mới dứt điểm. Chiều 24 tháng Sáu, quân Bắc Việt lần đầu tiên xử dụng chiến xa lội nước PT-76 làm mũi dùi chính. Các quạ đen điều động oanh kích bắn cháy ba chiếc, làm hư một chiếc nhưng vẫn không ngăn được sức tiến của địch. Quân Bắc Việt tràn vào lấy được ba khẩu đại bác 155 ly và năm khẩu 105 ly. Quân trung lập hoàn toàn tan rã, kinh hoàng khi trông thấy chiến xa địch. Pháo binh Thái Lan phát hoảng không tin sự bảo vệ của bộ binh cũng bỏ chạy. Air America phải vào di tản những người lính mất tinh thần chiến đấu. Một đoàn hai mươi ba chiếc trực thăng gồm mười ba chiếc của không quân và mười chiếc của Air America tập trung tại Long Tieng để chuẩn bị cho cuộc di tản bắt đầu từ chiều ngày 27.
         Tin mất Muong Soui làm mất mặt chính quyền Hoàng Gia Lào ở Vientiane. Quân số đông hơn, vũ khí nhiều hơn thêm máy bay yểm trợ vẫn bỏ chạy. Các quạ đen vẫn tiếp tục đánh bom xuống Muong Soui mặc dầu đã lọt vào tay địch. Lee Lue lại nổi tiếng là can đảm, bay không biết mệt, có hôm hơn mười phi vụ. Mỗi ngày, vào lúc chiều tối, Lue đáp xuống phi đạo ở Long Tieng sau mười giờ bay. Một đám người Mèo đã đợi sẵn xúm lại quanh chiếc T-28 của chàng. Trong khi người phi công ngồi gục trong buồng lái, một người leo lên đấm bóp cổ, vai cho Lue, mấy người khác đỡ chàng xuống và dìu đi qua đi lại để đỡ bị tê chân.
         Người Hoa Kỳ chứng kiến cảnh tượng đó hàng ngày cũng xúc động. Sự kính trọng của sắc dân Mèo đối với Lee Lue, chàng là biểu tượng cho sự chiến đấu của dân Mèo. Huyền thoại Lee Lue lan truyền đến các không đoàn Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á. Phi công Hoa Kỳ bay một trăm phi vụ trên không phận Bắc Việt được ưu đãi trong câu lạc bộ sĩ quan, được đeo thêm một huy hiệu trên bộ đồ bay. Lee Lue bay trung bình mỗi tháng 120 phi vụ, tháng này qua tháng khác không ngừng.
         Chuyện phải đến sẽ đến ‘Một ngày đen nhất trong những ngày tối’. Burr Smith viết thư cho vợ Mary Jane ngày 12 tháng Bẩy ‘Lee Lue người phi công cuối cùng, người Mèo giỏi nhất và có lẽ cũng là người can đảm nhất mà anh được biết đã bị bắn rơi và tử trận ngay trước mắt anh. VP (Vang Pao) bên cạnh anh đã khóc khi được hung tin. Chiếc máy bay bốc cháy, bay ngang qua đầu bọn anh và đâm xuống đất chỉ cách chừng vài trăm bộ’. Smith viết tiếp ‘Bọn anh ai cũng khóc như trẻ con. Lee Lue đã vĩnh viễn ra đi’.
         Đám tang Lee Lue kéo dài ba ngày, dân tộc Mèo mất đi người con cưng. Người Hoa Kỳ, các quạ đen và mấy tay cứng cựa CIA cũng khóc như mưa vì quá xúc động. Tất cả những sĩ quan cao cấp trong quân lực Lào đều đến dự. Các quạ đen cũng bầy tỏ sự kính trọng, Mike Cavanaugh nói ‘Tụi tôi coi Lue như anh em’, Karl Polifka nói ‘Lee Lue là một trong hai người mà tôi khóc trong đời không quân của tôi’. Đại tá Tyrrell gắn một huy chương của Hoa Kỳ cho Lue và nói vài câu ngắn chia buồn.


VII.     LONG TIENG BI BAO VÂY.
         Sau đám tang Lee Lue, tinh thần tướng Vang Pao dường như suy xụp, ông tướng uống rượu liên miên, ngày qua ngày. Đến cuối tháng Tám 1969, ông ta quyết định mở đợt tấn công mới. Quân Mèo vẫn cố thủ Long Tieng. Tướng Vang Pao tin rằng, mặc dầu với chiến thắng, quân Bắc Việt phải phân tán quân ra tại nhiều nơi để giữ đất, vấn đề tiếp vận, liên lạc trở nên khó khăn. Lợi dụng những nhược điểm của địch, tướng Vang Pao phác họa một cuộc hành quân mới mang tên là Về Bộ Mặt (About Face). Phát xuất từ bốn vị trí, các chiến sĩ Mèo được trực thăng của Air America đưa vào vùng hành quân, được yểm trợ bởi quạ đen và các chiến đấu cơ T-28. Những đơn vị du kích Thái, Mèo do tướng Vang Pao chỉ huy sẽ đánh phá đường tiếp vận của địch ở phiá sau, đặc biệt đường số 7 lên đến Bắc Việt-Nam. Cùng lúc, các đơn vị Hoàng Gia Lào được không lực Hoa Kỳ yểm trợ mạnh mẽ đánh từ phiá nam Cánh Đồng Chum trở lên. Ngày xuất quân sẽ là ngày 15 tháng Tám.
         Cuộc hành quân được yểm trợ bởi không lực, do đó yếu tố thời tiết rất quan trọng. Những ngày trước mưa liên tục. Sáng sớm ngày mười lăm, Karl Polifka mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Một luồng hơi lạnh thổi vào, bầu trời trong sáng như thủy tinh, chàng khẽ lắc đầu thời tiết thay đổi quá nhanh ngoài sự tiên đoán, rất chính xác như tướng Vang Pao đã báo trước. ‘Ông này có thần giao cách cảm với ai đó’.
         Thời tiết tốt như vậy trong vòng tám tuần lễ kế tiếp, không làm trở ngại cho vấn đề không yểm. Một lực lượng 6000 quân Lào và du kích Mèo bắt đầu tấn công. Được không quân yểm trợ tối đa, trung bình 150 phi vụ yểm trợ mỗi ngày, quân Lào lấy lại được nhiều ngọn đồi trong những trận đánh đẫm máu. Lại một lần nữa, dường như tướng Vang Pao được ngồi trong lòng Thượng Đế. Một lần leo lên trực thăng, rảo mắt nhìn xung quanh, tướng Vang Pao nói với phi hành đoàn ‘Đức Phật bảo tôi không đi trên chiếc trực thăng này’. Lẳng lặng đi xuống, leo lên chiếc khác. Chiếc Huey mà ông ta chê vừa cất cánh nổ tung ở giữa trời, lựu đạn gài trong thùng chứa xăng.
         Hành quân About Face phát xuất từ vị trí 204 ở phiá nam Cánh Đồng Chum, nơi gặp gỡ con đường đi từ Long Tieng và vị trí 15 về phiá tây. Tấn công hai ngọn núi, một ở hướng tây bắc Cánh Đồng Chum tên là Phou Khean và một ngọn khác về hướng đông nam tên Phou Tham. Địch quân chống cự dữ dội, hai bên đều tổn thất nặng, sau hai tuần quân bạn lấy được hai ngọn núi.
         Đồng thời, cánh quân từ vị trí 32 Boun Long di chuyển xuống định cắt đứt đường số 7 đi băng qua Ban Ban gặp lộ 7/71. Một ngọn núi nhỏ nơi phiá nam lộ 7/71 vẫn do quân Bắc Việt trấn giữ mặc dầu bị oanh kích dữ dội. Các đơn vị tham chiến được lệnh tấn công liên tục, địch vẫn kháng cự dũng mãnh, đẩy lui nhiều đợt trước khi ngọn núi chiến lược lọt vào tay quân Mèo.  
         Với sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân, quân đội Bắc Việt dường như bị bất ngờ, phải rút ra khỏi Cánh Đồng Chum. Cố vấn Trung Cộng phải cấp tốc di tản khỏi Khang Khay, CIA lấy được nhiều tài liệu trong bộ chỉ huy chất đầy một vận tải cơ C-123. Một sĩ quan Trung Cộng bị bắt, nhân viên CIA muốn được thẩm vấn tù binh nhưng đã trễ, quân Mèo đã cắt cổ viên sĩ quan người Tầu. Quân du kích Mèo được trực thăng vận xuống đằng sau lưng địch lập được nhiều công. Cánh quân phát xuất từ vị trí 32 rải quân về phiá tây đường số 7, trong khi đó, Black Lion (Sư Tử Đen) chỉ huy đơn vị du kích lập tuyến phòng thủ trên đỉnh đồi Phou Nok Kok nhìn xuống con đường khúc đi qua thung lũng Ban Ban.
         Đường số 7 bị cắt đứt, đường tiếp vận của quân Bắc Việt bị gián đoạn, tuy nhiên những ổ kháng cự vẫn còn hoạt động, Cánh Đồng Chum đã tương đối an toàn. Trong cuộc hành quân quy mô này, các quạ đen lo không xuể, được tăng cường thêm thám thính cơ tối tân hơn của không lực Hoa Kỳ (Fast FACs) từ Thái Lan. Những chiếc này không rành điạ thế, tốc độ phản lực và bay quá cao nên định mục tiêu không chính xác. Kết quả là nhiều trận oanh kích không phân biệt bạn hay thù. Một lần điều động đánh bom lầm làm chết hai mươi quân bạn (Polifka sau này gặp lại viên phi công chỉ điểm bậy trong căn cứ không quân Eglin, ông ta không tỏ vẻ hối tiếc ‘Người Á Đông là người Á Đông, tôi cóc cần biết. Tất cả đều là kẻ thù’). Trong vòng ba tuần từ cuối tháng Tám qua tháng Chín, ba trăm quân bạn chết do Fast FAC chỉ điểm lầm. Một làng bị trúng bom, 250 đàn bà và trẻ con thiệt mạng.
         Sự thành công trong trận About Face làm cho tướng Vang Pao lên tinh thần, mở thêm những cuộc hành quân khác. Hành quân West Wind (Gío Tây) tập trung vào khu vực phiá đông của cánh đồng về hướng biên giới Việt Lào. Hành quân North Wind (Gío Bắc) tấn công nơi địch đóng quân ở phiá bắc cố đô Luang Prabang về biên giới Tầu. Mùa Giáng Sinh 1969 tại Long Tieng là một thời gian dưỡng quân sau những chiến thắng. Quân Mèo lấy lại được tinh thần, và tướng Vang Pao lấy lại được phong độ.
         Cuối năm 1969, quân cộng sản mở đợt tấn công mới, quân đội Bắc Việt đưa quân mới vào cùng với công binh làm đường, lức đó không lực Hoa Kỳ dồn nỗ lực vào đường mòn Hồ Chí Minh. Quân Bắc Viết tiến quân nhanh, chiếm lại cánh đồng và những chiến xa, đại pháo bị mất trong cuộc hành quân About Face. Đầu năm 1970 hàng ngàn thường dân sống trong vùng bị bao vây và một lần nữa phải di tản. Fred Platt bay bao vùng ngày 11 tháng Giêng, trên chiếc O-1 có thêm một quân nhân Mèo, thời tiết quá xấu chàng gọi Cricket cho biết là sẽ bay dọc theo đường số 7 tìm những ổ súng lớn của địch.
         Fred Platt tìm thấy nhiều thùng nhiên liệu, địch mới chuyển vận đến từ đêm qua vẫn chưa được ngụy trang. Thay vì gọi oanh kích, Platt lấy góc độ bắn xuống một hỏa tiễn khói nhắm vào mấy thùng dầu. Trong khi lao xuống, chàng nghe tiếng đạn phòng không 12.7 ly và trông thấy những viên đạn lửa bay lên từ dưới đất. Một viên trúng vào động cơ làm cho dầu phun ra và máy bay bốc cháy. Platt gọi Cricket ‘Quạ đen 47. Tôi bị trúng đạn trên đướng số 7, đang cố gắng bay trở lại Alternate (Long Tieng) nhưng động cơ rung quá. Gọi cấp cứu. Tôi vẫn tiếp tục liên lạc cho đến khi máy truyền tin hết điện’.
         Một cuộn khói đen từ động cơ máy bay tuôn ra, lửa tạt vào buồng lái, Platt thả hết mấy quả hỏa tiễn còn lại để máy bay nhẹ đi, chàng tìm cách hạ cánh. Tắt máy, bay sát mặt đất rồi nâng mũi lên làm máy bay chạm đất ở phần đuôi, phần đầu gẫy ra, kỹ thuật rất nguy hiểm, trước đây Bing Ballou chết cũng vì định làm cú đáp này. Platt làm một cú đẹp tuy nhiên khi máy bay ngừng lại, cơ thể chàng dội về  phiá trước, đập mặt vào một thanh ngang trước buồng lái, đầu gối đụng mạnh vào phần bên trong, cánh quạt chém xuống đất làm chiếc O-1 lật nghiêng. Platt tụt ra khỏi máy bay, kéo người Mèo bay tháp tùng ra khỏi máy bay, chàng lấy vội tấm bản đồ, khẩu phóng lựu M-79, tiểu liên Thụy Sĩ và túi đựng đạn rồi ‘dọt’ lẹ, địch quân đang tìm đến chiếc máy bay lâm nạn. Người quân nhân Mèo vẫn còn đứng nguyên tại chỗ vì qúa sợ, Platt phải nắm tay kéo theo.
         Một chiếc H-34 đến cứu, phi hành đoàn hỏi chàng có sao không. ‘Không sao!’, Platt trả lời và cảm ơn nhân viên phi hành. Các quạ đen khác đã đợi sẵn để đón Platt, khi xuống trực thăng chàng hỏi có chiếc T-28 nào sẵn sàng chưa rồi nắm tay người bạn đồng minh ‘Ê, tụi mình đi, làm thịt khẩu phòng không đó’. Người quân nhân Mèo từ chối. (Sau vố chết hụt đó, anh ta xin trở về đơn vị cũ, không dám đi bay nữa). Platt nhất định đòi phải dứt điểm khẩu súng của địch ‘Tôi muốn ‘mần’ khẩu súng đó’, Clyde Elliott trả lời ‘Bạn phải lo cái mũi trước’. Platt bấy giờ mới nhận ra, đưa tay lên sờ, mũi chàng bị dập mạnh nghiêng qua một bên. Chàng được dìu về chỗ ở của các quạ đen, bắt đầu cảm thấy đau đầu gối và đau nơi cổ.
         Tối hôm đó các quạ đen uống mừng Platt sống sót ‘Thôi để mai tôi sẽ đi ‘làm’ khẩu súng đó’. Sáng hôm sau lúc thức giấc, Platt không còn cảm thấy đau, ở đầu gối cũng như ở cổ nhưng khi định ngồi dậy chàng mới biết rằng không cử động được, bị bại liệt từ cổ trở xuống. Platt được Mike Byers lái chiếc O-1 đưa sang Thái Lan cấp cứu, các quạ đen bó chặt chàng vào chiếc ghế sau.
         Bác sĩ quang tuyến cho biết giây thần kinh sương sống của Platt bị dứt ở bẩy chỗ. Chàng yêu cầu được nói chuyện với ông anh, bác sĩ Melvin Platt một bác sĩ giải phẫu trong bệnh viện tổng quát ở Boston, ông ta trấn an người em. ‘Tao nói họ gửi mày về đây’, chàng đáp ‘Đừng cho ông bà già biết chuyện này’. Platt cương quyết là mình sẽ bước ra khỏi bệnh viện hoặc chết chứ không muốn là một phế nhân. Thế là hết, chàng bắt đầu cho bạn bè những vật kỷ niệm, khẩu súng lục 9 ly, tiểu liên K Thụy Sĩ, và khẩu AK-47 báng xếp. Burr Smith đến thăm, hai chàng quạ đen nhìn nhau lặng lẽ, ‘Tôi không muốn trở về nhà trong trạng thái như vầy. Mẹ tôi có thể chấp nhận mất đi một người con. Tôi không thể nào quay trở về được’, rồi chàng nói tiếp ‘Nếu tôi không đi ra khỏi nơi đây được, giết tôi đi hay hơn’.
         Đại sứ Godley được Kissinger cho biết được xử dụng B-52 một cách bí mật, tên ngụy là Good Look cũng như những trận không tập B-52 bên Campuchia. Vị đại sứ nói ‘Mình không nhận về việc xử dụng B-52’. Tổng Thống ưng thuận khi nào địch tiến qua khỏi Muong Soui ‘Quân công sản tiến quá Muong Soui trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ’. Kissinger ghi lại trong hồi ký ‘Trận không tập với ba pháo đài bay B-52 vào đêm 17-18 tháng Hai’. Quân địch vẫn chưa chiếm được Muong Soui trong ngày hôm đó, khi tài liệu hết hạn bảo mật và hồi ký của Kissinger phát hành. B-52 vẫn được lệnh thi hành và đâu phải chỉ có ba chiếc như trong hồi ký. Ba mươi sáu phi vụ B-52 thả tất cả 1078 tấn bom, theo tài liệu của không quân.
         Nhiều bản báo cáo từ thủ đô Washington trái ngược nhau về đủ chuyện. Tệ nhất là bản báo cáo ‘Không người Hoa Kỳ nào bên Lào tử trận trong những cuộc hành quân trên bộ’. Trong hồi ký của Kissinger, tổng thống Nixon có tiết lộ cho ông ta rằng cách chứng minh tốt nhất không có quân bộ Hoa Kỳ trên đất Lào là không có quân nhân nào tử trận trong các hoạt động quân sự. ‘Không ai để ý chuyện B-52 thả bom bên Lào, nhưng họ lo cho sinh mạng người Hoa Kỳ bên đó’. Rõ ràng là người Hoa Kỳ có để ý chuyện B-52 và Nixon cũng biết tuy nhiên đó là theo hồi ký của Kissinger.
         Winston Lord, phụ tá đặc biệt của Kissinger báo cáo có tổn thất về các toán biệt kích Hoa Kỳ trong chiến dịch Prairie Fire (Cánh Đồng Lửa). Kissinger chối luôn. Những quân nhân tham dự các cuộc hành quân đặc biệt (Biệt Kích) cũng không được liệt kê ‘Họ không đóng quân trên đất Lào’. Nhân viên làm việc cho CIA cũng không tính vì họ bí mật, các quạ đen cũng không tính, lý do ‘kỹ thuật’ họ đóng bên Thái Lan. Air Commandos (Không Đoàn Cảm Tử) và quân nhân làm việc dưới đất của không quân cũng không kể vì họ được coi như bí mật. Air America và Continental Air Services cũng không tính vì họ làm việc với tư cách là thường dân.
         Nhiều phi vụ ngăn chặn trên đường số 7 do các quạ đen điều động nhằm cắt đứt đường tiếp vận của địch. Đủ loại máy bay oanh tạc, AC-47, AC-119 và AC-130 bay cả những phi vụ đêm đánh đoàn quân xa Bắc Việt. Địch bắt đầu dàn quân đe dọa Long Tieng. Tướng Vang Pao rải quân phòng thủ trên đỉnh những ngọn đồi để giữ căn cứ. Tuyến phòng thủ của quân Mèo góc tây nam Cánh đồng Chum mang tên phòng tuyến Vang Pao.
         Phi đạo tại Sam Thong bị tấn công dữ dội vào buổi sáng sớm 18 tháng Ba. Dân Mèo chạy lên những ngọn đồi xung quanh, hơn 42000 người bỏ nhà cửa để tránh bom đạn. Người Hoa Kỳ và người bị thương đang điều trị trong bệnh viện được di tản về phiá nam. Quân Bắc Việt tràn vào phố, dốt phá dẫy nhà làm việc, nơi trú ngụ, văn phòng cơ quan viện trợ, giúp người lánh nạn của Hoa Kỳ. Sam Thong rơi vào tay địch.
         Phòng tuyến Vang Pao tan vỡ, quân Mèo bỏ chạy, không còn quân bảo vệ Long Tieng. Thành phố bí mật rối loạn có thể mất trong vòng vài tiếng đồng hồ. Craig Morrison nói ‘Mọi người thức dậy vào buổi sáng đều nghĩ ‘Mình tốt hơn nên chuồn khỏi nơi đây’’. Nhóm đầu tiên được Air America di tản là tám mươi bệnh nhân nằm liệt giường trong bệnh viện ở Long Tieng bằng máy bay C-123. Dân Mèo đợi sẵn nơi phi đạo, máy bay của Air America cất cánh cứ hai phút một chiếc. Gia đình tướng Vang Pao cũng được đem đi Vientiane. Nhiều người sợ địch sẽ vào đến phi trường trước khi cuộc di tản bằng C-123 hoàn tất, bắt đầu đi bộ xuôi về phương nam. Air America thả những bao gạo xuống cho đoàn người di tản ăn dọc đường. Cảnh tượng thật đau lòng, hàng ngàn người Mèo, cùng với trẻ con, hành trang, tất cả những gì đem theo được, bỏ làng ra đi vì chiến tranh. Nhiều người đã phải tản cư bốn lần.
         ‘Hình ảnh đau thương nhất mà tôi phải chứng kiến là những người dân tỵ nạn’, Morrison sau này viết trong cuốn nhật ký ‘Tôi chẩy nước mắt khi nhìn thấy những đứa bé trai, bé gái năm hoặc sáu tuổi đeo gùi (giỏ của dân thiểu số), trông hết sức là tuyệt vọng. Những bà mẹ đeo con khóc trước ngực, những ông già, thương binh đều tìm cách thoát’. Morrison sắp về nước, tuy nhiên những hình ảnh chứng kiến trong ngày hôm đó làm chàng xin ở lại. ‘Họ là những người rất dễ thương. Tôi không sợ bại trận. Quân Bắc Việt hãy cút về Bắc Việt Nam hay ra đánh nhau với quân Tầu. Để những người dân hiền lành này được sống bình yên’.
          Nhân viên CIA bắt đầu đem tài liệu, những bản báo cáo tình báo, kế hoạch, hành quân ra đốt. Các quạ đen cũng được khuyến cáo đốt thư từ cá nhân, đề phòng trường hợp rơi vào tay địch. (Quân Bắc Việt dùng những vật dụng cá nhân, thư từ lấy được để hỏi cung những phi công bị bắn rơi ngoài Bắc). Trong khi di tản thường dân, máy bay đổ thêm quân tăng viện đến Long Tieng. Ba trăm quân Thái Lan, trong quân phục, nón sắt, súng đạn đầy đủ, được một máy bay không có phù hiệu đưa vào. Trông họ rất khác với các chiến sĩ Mèo, tóc dài rải rác khắp nơi trong thành phố. Năm trăm quân Lào từ vùng chiến thuật khác cũng được gửi đến tăng viện. Khi đến Long Tieng, họ được trực thăng của Air America và của không lực Hoa Kỳ đưa lên những ngọn đồi xung quanh lập tuyến phòng thủ
         Mưa lớn trong ngày 23 tháng Ba. Trận mưa làm tan những đám bây bay thấp, những phi tuần được gọi đến oanh kích vị trí địch, đường tiếp vận từ Cánh Đồng Chum ra chiến trường. Các quạ đen bây giờ sống tạm ở Vientiane, một khu có tên là Thành Phố Bạc (Silver City). Hank Allen là một phi công đặc biệt có cặp mắt diều hâu, cất cánh với Dick Elzinga ngồi trước buồng lái chiếc O-1. Allen cũng sắp hết thời gian phục vụ, chàng đã bay bốn trăm phi vụ chiến đấu, dự định trở về nước kết hôn với cô fiancée. Elzinga mới đến Lào và đây là lần đầu tiên bay đến Long Lieng, thành phố bí mật. Hôm đó trời nhiều mây, Allen báo cáo cho Cricket là chiếc O-1 bị trục trặc kỹ thuật, phải đáp khẩn. Đó là những lời cuối cùng của họ. Cả hai phi công và chiếc máy bay biến mất một cách bí mật, không tìm ra dấu vết.
         Quân Bắc Việt không chiếm được Long Tieng mặc dầu tấn công mười một ngày và pháo kích vào thành phố bằng súng cối, pháo binh và hỏa tiễn 122 ly. Quân đội Thái Lan luôn luôn hiện diện bên Lào, trong một con số giới hạn, trước đây phải che dấu gọi là lính đánh thuê. Đơn vị Thái Lan đến Long Tieng là đơn vị chính quy đầu tiên sang tham chiến bên Lào. Đạo quân này lên đến 17000 quân trước khi chiến tranh chấm dứt. Lính Thái Lan cùng với B-52 để thay số quân Mèo bị tổn thất trong suốt trận chiến.
         Tướng Vang Pao nói rằng nếu không có những quạ đen và không lực Hoa Kỳ, có lẽ một tướng lãnh Bắc Việt đang cư ngụ trong ngôi nhà của tôi. Sau khi quân Bắc Việt rút ra khỏi Long Tieng, quân Mèo phản công chiếm lại Sam Thong. Địch quân bị dội bom và pháo binh nện cho tan tành rồi các cánh quân Mèo tấn công lấy lại những ngọn đồi xung quanh ngày 24 tháng Ba. Để yểm trợ cho quân bộ, Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ bay tất cả 185 phi vụ, cho đến khi quân Bắc Việt phải rút đi. Không lực mất ba chiếc T-28, hai chiếc O-1 và một U-17.
         Chàng phi công can trường Fred Platt bình phục sau khi tưởng đã bị bại liệt, chàng trở về Hoa Kỳ và được ân thưởng ba chiến thương bội tinh, một ngôi sao bạc, ba huy chương danh dự và hai mươi sáu huy chương của không quân trong một buổi lễ trước công chúng. Các quạ đen khác bên Lào vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bay những phi vụ chiến đấu mười hai tiếng đồng hồ mỗi ngày.


VIII.    SỰ  TỔN THẤT.
         Cộng sản mở trận tấn công mới trên đất Lào và Campuchia từ tháng Mười Hai 1971 và đầu năm 1972. Quân Bắc Việt và Pathet Lào chuyển quân từ cao nguyên Bolovens xuống đường 23, qua thung lũng tiến về Pakse. Các quạ đen tìm thấy nhiều đường mới rẽ ra từ đường mòn Hồ Chí Minh và nhiều đoàn quân xa chở nhiên liệu, đạn dược di chuyển trên đường. Với những hoạt động ban ngày của địch, chắc rằng sắp có chuyện gì quan trọng, sẽ xẩy ra ở đâu đó. Thực sự đúng như vậy, quân Bắc Việt chuyển quân đến vị trí, chuẩn bị cho trận tấn công ‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ trong miền nam Việt Nam. Wilson dùng ống nhòm nhìn thấy bộ phận của dàn radar Fan Song, dùng để hướng dẫn hoả tiễn SAM. Chàng báo cáo cho cơ quan CIA, rồi sẽ đến Đệ Thất Không Lực. Hoa Kỳ không xác nhận sự hiện diện của hoả tiễn SAM trên đường mòn mãi cho đến tháng Năm.
         Quân cộng sản không tấn công Pakse mà chỉ gia tăng hoạt động xung quanh. Tháng Chín 1972, CIA phác hoạ hành quân Black Lion IV (Hắc Sư IV) định đưa 2000 quân vào vùng xung quanh Saravane. Không quân sẽ cung cấp trực thăng H-53 nhưng bỏ dở sau ngày đầu của cuộc hành quân, lý do bãi đáp không được an ninh. Air America đến thay, kết quả một trực thăng bị hạ cùng với viên cố vấn CIA. Quân xử dụng trong hành quân thuộc nhiều bộ lạc thiểu số và lính đánh thuê Thái Lan do nhân viên CIA chỉ huy. Đám quân này thay đổi vị trí đóng quân mỗi đêm để tránh pháo của địch. Với chiến thuật du kích, đặt mìn phá hoại đường xá, đến tháng Mười quân bạn đảy lui quân Bắc Việt ra khỏi Saravane, chiếm lại phi đạo và thiết lập hệ thống phòng thủ.
         Hai tháng sau trận Sravane, một ngàn lính đánh thuê Thái Lan được không vận vào cao nguyên Bolovens để thiết lập căn cứ hỏa lực pháo binh. Cuộc tấn công này đe dọa đường tiếp vận quan trọng của địch, quân Bắc Việt trả đũa đem thêm quân vào chiến trường, trong vùng xung quanh Saravane, Paksong có đến ba sư đoàn chính quy Bắc Việt. Lew Hatch nói ‘Mình mở ba mặt trận, bây giờ chuẩn bị đỡ’. Trong đợt oanh kích thứ hai tại Paksong, Mike Stearns bị trúng đạn phòng không, động cơ ngừng chạy phải đáp xuống rìa Bolovens. Bị thương nơi bàn chân không thể bay được nữa, chàng được trả về lại Hoa Kỳ.
         Một trận không tập nặng nề ngoài miền Bắc Việt Nam gọi là Christmas Bombing (Trận Không Tập Giáng Sinh). Những mục tiêu quân sự tại Hà Nội và Hải Phòng bị ném bom dữ dội từ ngày 18 tháng Mười Hai, sau khi Bắc Việt bỏ chuyện thương thuyết ở Paris. Các phi vụ thả bom tập trung ngoài Bắc Việt Nam, các quạ đen chỉ bay những phi vụ thám thính trên đường mòn Hồ Chí Minh để đo lường mức độ xâm nhập của quân Bắc Việt. 
         Đến mùa mưa 1972, bắt đầu từ tháng Tám tướng Vang Pao mở đợt tấn công vào vùng đông bắc Cánh Đồng Chum dựa vào các trực thăng của không lực Hoa Kỳ để chuyển quân. Theo kế hoạch sẽ đưa 2400 quân vào vùng phiá bắc, sau lưng địch nhưng phải hủy bỏ vì thời tiết xấu và không lực đòi hỏi những chiếc CH-53 (trực thăng) phải có máy bay chiến đấu hộ tống. Chỉ có một nửa quân số được đưa vào vùng hành quân, chịu không nổi hỏa lực pháo binh, chiến xa của địch. Quân bạn tan hàng, từng toán nhỏ tìm đường thoát về, có toán sau nhiều tuần lễ mới về tới nơi an toàn.  
         Trận đánh lớn cuối cùng được trực thăng Hoa Kỳ yểm trợ bắt đầu ngày 20 tháng Giêng 1973. Bảy chiếc CH-53 và hai chiếc Chinooks của Air America đưa một ngàn quân vào mở đường từ Vientiane đến Luang Prabang. Bốn trực thăng trúng đạn, tuy nhiên thành công trước khi lệnh ngưng bắn hiệu lực. (29/03/73).


IX.       THAY  ĐOẠN  KẾT.
         Những chiếc O-1 cuối cùng rời đất Lào, cất cánh từ Vientiane bốn chiếc một. Họ bay theo đội hình ‘Người Đã Khuất’ (Missing Man), thường bay trên đầu đám táng nhà binh, một chiếc sẽ bỏ đội hình bay vút lên cao biểu lộ sự luyến tiếc. ‘Đó là một truy điệu’ Jack Shaw nói thêm ‘Tặng Hal và những quạ đen đã hy-sinh’. Cho những người Lào ở lại và cho những người Mèo mà chúng ta đã bỏ rơi, phản bội. Cho những tù binh chiến tranh (POWs) bị bỏ lại trên xứ người. Đó là điều chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi được lệnh phải ra đi nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên’.

Theo tài liệu:
- Christopher Robbins, The Ravens, Pocket Books, New York, NY. 10020, 1987.

Dallas,
               vđh




1 comment: