Sunday, May 15, 2011

LẠCH NƯỚC VÔ DANH


LẠCH NƯỚC VÔ DANH
Michael Hayes

        Chuyến hành quân xâm nhập của đơn vị SOG ngày 21 tháng Ba năm 1970 trong khu vực rừng núi Ratanakiri được giữ bí mật. Toán biệt kích SOG sáu người gồm có quân nhân Mũ Xanh LLĐB/HK và mấy biệt kích quân người Thượng. Những cuộc hành quân ngoại biên của đơn vị SOG thường được trực thăng phát xuất từ các căn cứ hành quân tiền phương (của đơn vị SOG) trong phần đất nam Việt Nam đưa đi, và không được chính thức (official) công nhận. Những quân nhân thuộc đơn vị này được huấn luyện, trang bị tối tân, không đeo phù hiệu khi hành quân, là một phần trong trận “Chiến Tranh Ngoại Lệ”, dưới danh hiệu Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (Study and Observation Group) hay gọi là SOG cho tiện.
        Bắt đầu từ năm 1964, theo lệnh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara. Đơn vị SOG được thành hình, có tổ chức như cơ quan OSS Hoa Kỳ trong trận thế chiến thứ hai. Người Hoa Kỳ rất cần những tin tức tình báo về những cuộc chuyển quân của quân đội Bắc Việt vào miền nam Việt Nam. Quân đội Bắc Việt đã xây dựng một hệ thống đường giao liên tiếp vận, xuyên qua vùng rừng núi hai nước láng giềng Lào và Miên, trước khi vào đến miền nam. Theo John Plaster, một cựu quân nhân phục vụ trong đơn vị SOG, chuyên gia về SOG, ông ta cho rằng trong năm 1967, quân đội Bắc Việt đã có mặt trên hai nước Lào và Miên hơn 100000 quân, trong số đó 40000 quân đuợc xử dụng trong nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đường mòn HCM. Ngoài ra thêm khoảng 100000 quân đã vào đến miền nam.
        Đơn vị SOG lúc nào cũng có khoảng 40 quân biệt kích (nhiều toán) hoạt động trên đất Lào và Miên. Nhiệm vụ của các toán biệt kích SOG là xâm nhập sâu vào vùng địch kiểm soát, đặt máy nghe lén, phục kích, bắt sống tù binh đem về khai thác, gài mìn bẫy trên lộ trình địch di chuyển, phá hoại các kho tiếp vận, và dò thám các hoạt động của địch. Nhiệm vụ cho các toán biệt kích SOG rất nguy hiểm, con số tổn thất của đơn vị SOG lên đến hơn 50% và nhiều quân nhân Mũ Xanh làm việc cho SOG đã không trở về.
        Toán biệt kích xâm nhập hoạt động trong khu vực Ratanakiri đã đưọc ba ngày. Họ phải tránh né những toán quân truy lùng biệt kích của địch, để thâu thập tin tức tình báo về địch quân. Sau đó bị lộ, bắt buộc phải nổ súng để chạy, hai biệt kích quân đã trúng đạn, không biết sống chết nhưng các biệt kích còn lại vẫn phải tiếp tục chạy tìm đường sống. Một trực thăng cấp cứu đáp xuống một bãi đáp nhỏ cho toán biệt kích tả tơi leo lên. Chiếc trực thăng vừa bốc lên cao khoảng 100 thước, bị trúng đạn B-40 nổ tung, rơi xuống bốc cháy. Tất cả bẩy người trên trực thăng gồm biệt kích SOG và phi hành đoàn đều tử trận.
        Ba thập niên trôi qua, cuộc chiến Việt Nam như đã xa xưa, nhưng người Hoa Kỳ vẫn cố tìm cách đem về những người con của đất nước. Tiến sĩ C. E. “Hoss” Moore đứng giữa một lạch nước chỉ ngang đầu gối, mà ông ta đặt tên là “Lạch Nước Vô Danh” gần biên giới Lào-Việt, xem xét xác một chiếc trực thăng Huey UH-1H. Ông ta là một trong số tám người Hoa Kỳ cùng với một đoàn 80 người Miên bỏ ra bốn tuần lễ đi tìm xác bẩy quân nhân Hoa Kỳ tử trận năm 1970.
        Với tuổi chưa đến năm mươi, tiến sĩ Moore đến từ Kansas, khỏe mạnh có bộ ngực nở nang. Ông ta được miễn dịch vì bị lãng tai nên không phải qua Việt Nam, bây giờ muốn làm “điều gì đó” đền bù lại, để khép lại trang sử cuộc chiến Việt Nam.
        Ngôi làng người Miên gần nhất cách khoảng 30 cây số. Họ đã phải lội bộ băng rừng, xuyên qua những khu rừng rậm rạp, dường như chưa có người đặt chân đến. Thật khó tưởng tượng, chiến trang trước đây đã lan rộng đến khu rừng yên tĩnh này, bây giờ đã được công nhận là khu rừng Quốc Gia, có hổ, báo, voi, và gấu.
        “Trong những ô vuông đó, ‘Hoss’ là vua”, đại úy Matt Fuhrer, một nhà Nhân Chủng Học thuộc Lục Quân Hoa Kỳ phát biểu. Ông ta là người quyết định, đào xới ở đâu, độ sâu, và ai là người sẽ phải ra tòa làm chứng những năm sau đó. Câu chuyện không đơn giản như nhiều người thường nghĩ... Đi tìm xuơng cốt các quân nhân Hoa Kỳ và đem về...
        Nỗ lực ở Ratanakiri cũng có những điều phức tạp, một sự phối hợp giữa người Hoa Kỳ, Việt và Miên. Người Hoa Kỳ biết câu chuyện xẩy ra, nhưng không biết chắc chắn vị trí. Được một ông gìa đã 80 tuổi người Miên chỉ điểm, trước đây đã đi săn bắn ngang qua khu rừng và nhớ có trông thấy một xác trực thăng.  
        Trong tháng Ba năm 1997, một toán hỗn hợp Việt Miên dẫn đường, phát xuất trên phần đất  Việt Nam băng qua biên giới, đi đến khu vực Đuôi Rồng (Dragon’s tail). Sau bẩy ngày lặn lội, với bốn lần phải chặt cây kết bè băng qua suối, họ đến nơi. Ông gìa người Miên đưa họ đến nơi có xác chiếc trực thăng. Một người Hoa Kỳ bật khóc vì cảm động... không ngờ ông gìa 80 tuổi vẫn còn trí nhớ dai.
        Sau khi đã tìm được xác trực thăng, họ chặt cây rừng làm bãi đáp trực thăng (cho chuyên viên, nhân công), để chuẩn bị cuộc đào xới tìm xác quân nhân Hoa Kỳ, có lẽ sẽ bắt đầu khoảng giữa tháng Giêng năm sau. Người Hoa Kỳ lập một văn phòng ở Ban Lung, tuyển mộ nhân công, nhân viên giữ an ninh. Và thuê phi công Lào chuyên chở nhân công, nhân viên từ ngôi làng Ban Lung đến chỗ đào xới và trở về. Đến buổi chiều, họ đã khai quật được xác các quân nhân Hoa Kỳ. Sau đó họ đến một chỗ khác, bên ngoài làng Ban Lung, nơi một phản lực cơ Phantom F-4 bị rơi. Tuy nhiên giới chức Hoa Kỳ không muốn công bố chi tiết về các nạn nhân nhanh chóng, thủ tục còn mất thêm vài năm nữa ở Hoa Kỳ.

Ghi Chú: Phnom Penh Post, Volume 7, Number 4, February 27 – March 13, 1998


Phần bổ túc của Clyde Sincere
        Ngày 24 tháng Ba năm 1970, toán biệt kích Pennsylvania, thuộc đơn vị MACV-SOG (Kế Hoạch 35), phát xuất từ Bộ Chỉ Huy Trung (CCC, Kontum), gồm ba quân nhân Hoa Kỳ, năm biệt kích quân người Thượng, được trực thăng Huey UH-1H, phi đoàn 170 đến cứu trong khi đã bị tổn thất trước hỏa lực mạnh mẽ của địch.
        Sau khi đã đem được toán biệt kích lên trực thăng, phi công trưởng, thiếu tá Michael D. O’Donnell gửi đi một điện văn báo cáo đã “bốc” được cả toán biệt kích tám người và đang chuẩn bị rời bãi đáp. Khi chiếc trực thăng vừa bốc lên cao, có một tiếng nổ lớn bên trong trực thăng. Chiếc trực thăng vẫn bay được thêm khoảng 300 thước, rồi thêm một tiếng nổ nữa, làm chiếc trực thăng rơi xuống đất. Máy bay quan sát cùng với đơn vị cấp cứu được điều động lên vùng, nhưng không thấy dấu hiệu có người sống sót.
        Trong tháng Giêng năm 1994, toán tìm kiếm hỗn hợp Việt-Mỹ phỏng vấn Lê Thanh Minh ở Kontum. Ông Minh cho biết, năm 1993 trong khi đi tìm kiếm nhôm (aluminum), ông ta khám phá ra một điạ điểm có máy bay bị rơi trên đất Miên. Ông ta trông thấy xương người và ba tấm thẻ bài, một hộp cứu thương và một ba lô. Ông ta cũng nghe nói có người Lào khám phá (lấy được) đồng hồ, nhẫn vàng, và khẩu súng CAR-15. Ông Minh nói thêm, chỗ máy bay bị rơi rộng khoảng 100 thước. Đuôi máy bay bị gẫy rời ra và có sơn số “262”. Ông ta trao cho người Hoa Kỳ mấy tấm thẻ bài, một tấm tên Berman Ganoe Jr., tấm kia John C. Hosken, cả hai nạn nhân thuộc phi hành đoàn chiếc trực thăng.
        Trong tháng Giêng năm 1998, một toán tìm kiếm hỗn hợp đến được vị trí chiếc trực thăng lâm nạn, lần này họ đã thành công. Xương cốt của phi hành đoàn cùng toán biệt kích được thâu hồi, cùng với thẻ bài, vũ khí của họ, cùng với vật dụng cá nhân. Đã bao nhiêu năm qua, những quân nhân can đảm “Bikini Red Three” (phi hành đoàn) cùng với toán biệt kích đơn vị SOG đã được trở về với gia đình của họ.

Dallas, TX.
vđh

No comments:

Post a Comment