Thursday, March 28, 2013

Biệt Hải trên vùng biển bão tố / Phạm Phong Dinh




Sau khi hay tin 15 Biệt Hải thuộc Tuần Dương Hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt được một ngư thuyền cứu vớt tại eo biển Qui Nhơn, cách đảo Cù Lao Xanh (hay còn gọi là Mũi Yến) 55 cây số về phía Đông và vẫn còn ở ngoài hải phận quốc tế, nhiều phóng viên quân đội đã chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để đến gặp và nhìn tận mắt những người lính biển đầu tiên đã viết những dòng hải sử chiến đấu chống quân Trung cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 15 người lính, các anh đã phải đối đầu với một lực lượng hung hãn địch gấp gần 20 lần hơn trên đảo Vĩnh Lạc. Trong lúc những chiến hạm của Hải Quân Việt Nam còn đang giáp chiến với hải quân Trung cộng, tiếng đại bác của hai bên nổ rền mặt đại dương, thì 15 chiến sĩ Biệt Hải đã kiệt liệt đối súng với hàng trăm lính bộ chiến của Trung cộng trên hòn đảo nhỏ này. Giữa cơn lửa đạn mù rời, toán Biệt Hải nhận được lệnh rút bỏ Vĩnh Lạc, vì cấp chỉ huy mặt trận Hoàng Sa không thể hy sinh oan uổng những đoàn viên ưu tú nhất của quân chủng. Không có một chiếc tàu nào đến đón, vì lúc đó 14 tàu chiến Trung cộng đang vây đánh Tuần Dương Hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt, Tuần Dương Hạm HQ 5 Trần Bình Trọng, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 và Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4. Chiếc xuồng đổ bộ giờ đây đã trở thành chiếc phao cứu sinh duy nhất của toán chiến sĩ lạc loài này. Cuộc hành trình vượt chết trên vùng biển bão tố bắt đầu.

Một toán thám sát Biệt Hải được chiếc HQ 16 Lý Thường Kiệt thả xuống gần đảo Vĩnh Lạc, rồi các anh dùng thuyền nhỏ chèo vào và đổ bộ lên bờ biển. Đảo Vĩnh Lạc (còn gọi là đảo Quang Ảnh hay Money) thuộc chủ quyền Việt Nam từ thời triều đình nhà Nguyễn, nhưng đã bị hải quân Đài Loan lợi dụng lúc ra giải giới quân Nhật khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh ngày 21.8.1945, đã ngang ngược chiếm lấy và tuyên bố chủ quyền từ năm 1946. Đến lượt Trung cộng đoạt lấy đảo Vĩnh Lạc cuối năm 1949, sau khi đánh bại quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở lục địa. Đảo Vĩnh Lạc, cũng như hầu hết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là Paracel) có cấu tạo san hô rất kiên cố, nên địa thế rất khó khăn cho tàu bè cặp bến. Đây là đảo có nhiều cây cối và là nơi chim biển đến sinh sống nhiều nhất. Số phân phosphate từ phân chim ước lượng phải gần 1,200,000 tấn. Đó là một trong những lý do tại sao thu hút lòng tham lam bất chính của cả Đài Loan và Trung cộng.
Trung Úy Lâm Trí Liêm, Trưởng Toán Biệt Hải, khi anh dẫn 15 chiến sĩ đổ bộ lên Vĩnh Lạc, đã khám phá bốn ngôi mộ với bốn cái bia đá do Trung cộng dựng nên để xác nhận chủ quyền của chúng. Những ngôi mộ chẳng biết có bộ xương nào ở dưới hay không, nhưng những tấm bia chỉ là biểu trưng của sự giả trá quỉ quái của bọn cộng sản, với dụng ý chứng tỏ đã có dấu chân của chúng từ lâu. Trung Úy Liêm ra lệnh cho đoàn viên Biệt Hải nhổ những tấm bia đá này chuyển xuống HQ 16 để chuyên viên của ta dịch sang Việt ngữ xem chúng khắc cái quái gì trên đó, rồi đem về Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ phá hủy những di chứng giả tạo của Trung cộng, Toán Biệt Hải còn có công tác cắm cờ Việt Nam và bảo vệ cờ để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.

Khi Trung Úy Liêm cùng chiến sĩ Biệt Hải của anh đặt chân lên đảo Vĩnh Lạc, hòn đảo hoàn toàn hoang vắng không một bóng người, chỉ có mỗi bốn nấm mộ nằm chơ vơ giữa vùng trời nước. Quân ta nằm bố trí trên đảo chờ chuyến tiếp tế, nhưng vì các chiến hạm còn đang theo dõi thám sát những hành động của tàu Trung cộng, nên mãi đến chiều ngày 17.1.1974 mới có tàu đến đổ xuống một khối lượng lương khô cho 93 ngày, có nghĩa là Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Hoàng Sa của Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc đã dự định phải giữ đảo ít nhất là ba tháng. Tiếng súng hải chiến bắt đầu nổ trên vùng biển Hoàng Sa ngày 19.1.1974. Lúc đó là 10 giờ 25 sáng. Lúc 10 giờ 22 phút, một hộ tống hạm Trung cộng loại Kronstadt đã hướng mũi tàu đâm thẳng vào Khu Trục Hạm HQ 4 Trần Khánh Dư đang giữ chặt đảo Quang Hòa. HQ 4 nhận được lệnh khai hỏa từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Sài Gòn, quả đại bác đầu tiên được bắn ra sau nhiều ngày sẵn sàng tác chiến đã trúng ngay chiếc tàu giặc. Chiếc Kronstadt bị chìm xuống đáy biển. Chiếc HQ 4 bị hư hại nhẹ. Với chiến thắng nức lòng đó, những HQ 5, HQ 10 và HQ16 tuần hành chung quan các đảo Quang Hòa và Duy Mộng đồng nổ súng đánh đuổi địch. Cả một vùng Hoàng Sa ầm tiếng sấm phẫn nộ của người nước Nam. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 trúng một chiếc hỏa tiễn Styx từ chiến hạm Trung cộng bị hư hại rất nặng và chìm dần. Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà trúng đạn giặc ở cầu thang chỉ huy, đã anh dũng hy sinh, 32 chiến sĩ trên tàu bị mất liên lạc. Những thủy thủ của HQ 10 bềnh bồng giữa đại dương đến 6 giờ 30 chiều ngày 22.1.1974 thì được thương thuyền Hòa Lan KOPIONELLA vớt được 23 người, cách phía Đông Đà Nẵng 287 cây số. Sáng hôm sau, chiến hạm Việt Nam đến tiếp nhận số chiến sĩ lưu lạc này, trong số đó có thân xác của Hải Quân Đại Úy Nguyễn Mạnh Trí, Hạm Phó HQ 10, đã chết và 2 chiến sĩ bị thương.

Những chiến sĩ Biệt Hải nằm trên đảo Vĩnh Lạc nhìn về hướng Duy Mộng và Quang Hòa cách đảo chừng 34 cây số đã thấy những đốm lửa sáng lóe lên. Đoàn viên truyền tin liên lạc với Đài Khí Tượng thì được biết một tàu Trung cộng đã bị quân ta bắn trúng đang từ từ chìm xuống biển cả. Những người lính Biệt Hải reo hò vang dậy chào mừng chiến công của đồng đội. Dẫu biết rằng Hải Quân Việt Nam ở thế hạ phong về tàu chiến và vũ khí, nhưng ngay phát súng đầu, HQ 4 Trần Khánh Dư đã nhắc cho giặc Bắc nhớ lại trận hải chiến kinh hoàng ở cửa biển Vân Đồn năm 1287, Tướng Quân Trần Khánh Dư đã đánh chìm hàng trăm chiến thuyền của tướng Ô Mã Nhi và tên hải tặc Trương Văn Hổ, mà đã đẩy đạo quân 20 vạn của Thoát Hoan trên bộ vào thảm cảnh chết đói và hoàn toàn chiến bại. Giao chiến bằng tàu thường không thắng nỗi bốn chiếc HQ thời Đệ Nhị Thế Chiến của ta, Trung cộng phải hối hả điều thêm những chiến hạm tối tân Komar trang bị hỏa tiễn tầm xạ Dù vậy, các HQ của Hải Quân Việt Nam cũng đã hủy diệt thêm một tàu và làm hư hại hai chiếc khác, trước khi nhận được lệnh rút ra khỏi quần đảo Hoàng Sa sau hai giờ pháo chiến. Một kế hoạch đánh tập kích lực lượng địch vài ngày sau đó của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam được phác họa, nhưng đã không được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

Cuộc hải hành bằng xuồng cao su trên đại dương
Ba ngày trấn giữ Vĩnh Lạc không thấy có Toán Thám Sát nào đến thay thế, hướng Hoàng Sa đã im tiếng súng mà trên không luôn có nhiều phi cơ rất lạ bay lượn vòng vòng, Trung Úy Liêm nhận định rằng tình hình ngày càng rất bất lợi cho đảo Vĩnh Lạc, với một nhúm chiến sĩ ít ỏi như thế này. Có tin Trung cộng đã điều chiến hạm đến tấn công Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Từng đợt hải pháo của tàu giặc dội ì đùng xuống một diện tích nhỏ bé của hòn đảo, rồi bốn chiếc Mig 21 và Mig 23 xuất phát từ đảo Hải Nam bay đến oanh kích dọn bãi để lính địch đổ bộ. Con số chiến hạm Trung cộng tham chiến đã lên đến 40 chiếc. Trung Úy Liêm quyết định chờ đêm tối dùng xuồng cao su thoát ra khỏi Vĩnh Lạc. Thật không may mắn cho những người lính cô đơn này, chiếc xuồng cao su lại bị lủng một lỗ nơi miệng cao su lót đáy, không biết có phải là do bởi mảnh pháo địch, nước biển tràn vào, các Biệt Hải xé vải nhét lại. Tình thế thật bi đát. Các chiến sĩ phải ngồi rải chung quanh thành ca nô, tránh ngồi tập trung ở giữa tránh tình trạng quá nặng. Trong khi quân ta âm thầm chèo ra ngoài khơi thì bỗng có quang hiệu của tàu Trung cộng gọi trở lại, nhưng Trung Úy Liêm ra lệnh cho các chiến sĩ tiếp tục hướng mũi ra biển. Thà chết vinh giữa biển cả, còn hơn là sống nhục trong lao tù cộng sản.

Chiếc xuống tiếp tục di chuyển về hướng Tây Nam. Sáu mái chèo thay nhau quạt nước. Một cái mền được dùng làm buồm căng trên một cái cột buồm bằng một cành tre tìm thấy trên đảo. Sức gió đã đẩy chiếc xuồng ọp ẹp đó xa dần đảo Vĩnh Lạc. Thêm một mảnh đất của Việt Nam đã lọt vào tay giặc. Tình hình ngày càng tồi tệ, khi lương thực đem theo đã dần cạn, quân ta phải hạn chế ăn uống, bi đát đến nỗi mỗi người chỉ có 6 muỗng nước mỗi ngày. Đến ngày thứ ba, số nước dự trữ chỉ còn có 30 lít, nhưng vì bị sóng nhồi nên đã bị đổ mất 10 lít, nên đành phải chịu giới hạn đến tối đa. Đến ngày thứ năm cuộc hành trình, chỉ uống nước mà không còn thức ăn, chiếc xuồng cao su nhấp nhô trên vùng biển động cấp 5, 6 chỗ bị lủng vẫn luôn luôn là mối đe dọa chết chóc của 15 người lính đã rất yếu sức. Ngày nắng như nung, lượng nước trong cơ thể bốc hơi nhanh chóng tạo ra hiện tượng mất nước (dehydration)., đêm thì lạnh buốt đến tận xương tủy. Chỉ có sức chịu đựng phi thường của những người lính cứng như thép Biệt Hải mới có thể sống sót qua thử thách này.
Ở giữa trùng khơi mênh mông không thấy đâu là bến bờ, dưới những cơn thịnh nộ của thủy thần đại dương, con người bé nhỏ chỉ có thể nguyện cầu xin được che chở. Thật mầu nhiệm, lời cầu nguyện đó của 15 Biệt Hải dường nhưng đã được nghe nhận từ cõi thiêng liêng. Theo lời kể của Trung Sĩ Nguyễn Trọng Tuấn, nhân viên điện tử, lúc đặt chân xuống thuyền, nhiều Biệt Hài đã khấn nguyện xin cho được an lành trở về với đất liền, với đồng bào và với quân đội để tiếp tục chiến đấu. Phép huyền diệu đó đã bắt đầu hiện ra từ ngày thứ sáu, mà tất cả chiến sĩ trên ca nô đều nhận biết như nhau.

Theo Trung Sĩ Tuấn, khi đến vùng biển động, sóng lượn theo chiều ngang rất nguy hiểm. Kinh nghiệm hải hành cho thấy rằng tàu nào gặp những con sóng ngang kiểu này cũng đều lắc lư rất dễ sợ. Nhưng có một điều kỳ dị rất khó giải thích là chiếc xuống lại lướt rất nhẹ nhàng một cách rất bình thản trên đầu ngọn sóng chết người đó. Hơn thế, nó còn chạy vo vo một mạch với tốc độ 40 cây số / giờ. Lợi dụng hiện tượng quái lạ này, anh em Biệt Hải gác mái chèo nghỉ xả hơi. Đặc biệt khi gặp sóng cao thì một lực nào đó giúp hóa giải sức giật ngaỵ Trung Sĩ Tuấn và nhiều Biệt Hải đã thấy một cái gì đó không phải thuyền chài, mà nó gần giống như cái kỳ cá nhú lên khỏi mặt biển, mà họ tin là cá voi, hay cá ông, những vị thần cứu mạng trong huyền thoại trên biển Nam Hải của giới thuyền bè qua lại trên vùng biển này. Có những con cá voi bị bão tấp vào bờ chết, đã được dân chài vùng biển chôn và lập đền thờ để nhớ ơn chúng đã cứu giúp ghe thuyền lúc hoạn nạn. Nhiều lúc các chiến sĩ nghe thấy nhiều tiếng lục cục dưới đáy chiếc xuồng ca nô, mái chèo thấy nhẹ hổng. Có lẽ một chú cá voi lạc loài nào đó tránh sóng bão đã tựa lưng vào cùng tồn tại với con người, mà nhờ sức mạnh thần kỳ của nó đã đưa chiếc xuồng vượt qua những con sóng chết. Hay đó có phải là phép nhiệm mầu của tạo hóa xót thương những người lính chân chính của một dân tộc tang thương vì nạn xâm lược của loài ác quỷ cộng sản. Không ai có thể giải thích được sự kiện nàỵ Nhưng sáu mái chèo kiệt lực không thể nào đưa chiếc xuống đi phom phom 40 cây số giờ như vậy được.

Giữa cơn bão giật, nhóm chiến sĩ Biệt Hải dường như trông thấy hình dáng một chiếc thuyền, quân ta vui mừng khấn nguyện cho nó tiến đến gần hơn, thì thình lình nó quày đầu chạy ngược trở lại. Vài chiến sĩ quá nóng lòng bèn bắn vài phát súng báo động. Nhưng càng nghe tiếng súng thì chiếc thuyền đó càng phóng dữ. Chẳng mấy chốc nó đã biến mất giữa những con sóng. Nhìn lại đã thấy một dải đất mờ, đối chiếu với hải đồ, thì có lẽ chiếc xuống đã dạt về đến vùng biển Mũi Cù Lao Ré ngoài hải phận Quảng Nam. Nhưng lưỡi hái của thủy thần vẫn còn treo đung đưa trên đầu, thấy đất liền đó mà sóng vẫn kéo chiếc xuồng ra xa dần ngoài khơi, không chèo vào được. Chiến sĩ trên xuồng chắc lưỡi tiếc hùi hụi, nếu đừng bắn súng cho cá ông sợ chạy mất, thì biết đâu ngài đã đưa anh em vào gần bờ hơn. Như vậy, Toán Biệt Hải đã được cá ông đưa vào hướng Đà Nẵng trọn một đêm dài, nhưng định mệnh vẫn còn thử thách chí quật cường của những người lính Hải Quân. Cuộc hành trình về với tổ quốc tiếp diễn.

Chiếc xuống càng lúc càng đến gần hải phận Việt Nam Cộng Hòa hơn. Qua đến ngày thứ bảy, các chiến sĩ Biệt Hải trông thấy nhiều ghe thuyền xuôi ngược liền bắn súng xin tiếp cứu, nhưng những chiếc tàu này hoặc là không nghe được tiếng nổ, hoặc là do một lý do nào khác đã chạy lảng ra xa. Tình trạng sức khỏe của những Biệt Hải trên ca nô đã trở nên rất tồi tệ, các anh như những cái xác còn cử động là nhờ ở ý chí tìm sống, nước uống trên xuồng đã hết sạch từ lâu. Qua đến ngày thứ chín cuộc hải hành chiến sĩ Biệt Hải đã phải uống nước tiểu của mình. Có lúc xuồng chỉ còn cách bờ biển Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi chừng 100 hải lý, nhưng không thể nào chèo vào được, ca nô vẫn bị cuốn trở ra ngoài khơi. Chiếc buồm được điều chỉnh về hướng Đông Bắc để gió có thể thổi tạt các anh về hướng Tây Nam, hy vọng tấp vào được gần bờ hơn. Mỗi đêm các chiến sĩ Biệt Hải có trông thấy nhiều máy bay lượn vòng thật cao, có lẽ đang hoạt động không ảnh, vì ánh sáng cứ lóe lên từng hồi chiếu xuống mặt biển. Mặc dù không biết những phi cơ này thuộc quốc tịch nào, nhưng quân ta vẫn bám víu vào một hy vọng mỏng manh, nên đã bắn lên nhiều hỏa hiệu để đánh dấu mục tiêu cùng điểm đứng của chiếc ca nô. Nhưng tất cả đều vô hiệu, có lẽ vì phi cơ bay với vận tốc nhanh và quá cao nên không thể thấy rõ những trái sáng.

Sự cố gắng đó cuối cùng rồi cũng được đền bù, ngày thứ mười, chiếc xuống đã giạt vào hải phận tỉnh Bình Định, cách đảo Cù Lao Xanh thuộc xã Phước Ninh, quận Nhơn Bình chừng 30 hải lý. Với khoảng cách này cái sống đã hiện ra rõ nét, nhưng chiếc xuồng vẫn còn nằm ngoài hải phận quốc tế. Trung Úy Lâm Trí Liêm, Trưởng Toán Biệt Hải, là người còn có thể đứng vững trong tình thế tuyệt vọng nhất, anh thật xứng đáng là một cấp chỉ huy tài ba, mà đã cứu được mạng sống của tất cả đoàn viên. Anh đã trông thấy có ba chiếc ghe đánh cá đang hoạt động gần đó, mừng quá anh bắn mấy phát súng cầu cứu. Hai chiếc ghe đầu tiên hoảng sợ bỏ chạy mất, nhưng chiếc ghe thứ ba, trời ơi, nó đã lừng lững tiến đến. Các chiến sĩ Biệt Hải đã có thể trông thấy những khuôn mặt Việt Nam đen rám vì nắng gió biển khơi, những ánh mắt xúc cảm và những nụ cười quá thánh thiện. Toán ngư phủ trên ghe vội vã ném dây cột chiếc xuồng cao su kéo về Qui Nhơn. Lúc đó là khoảng 12 giờ 30 trưa ngày 21.1.1974. Những người lính Biệt Hải sẽ nhớ mãi cái ngày hồi sinh này.
Trong lúc kéo xuồng cao su trở vào hải cảng Qui Nhơn, thì các ngư phủ đã giúp chừng phân nửa số chiến sĩ leo lên thuyền của họ, số còn lại quá mệt mỏi đành phải nằm nghỉ dưới xuồng. Hạ Sĩ Nhứt Nguyễn Văn Duyên, nhân viên Quản Kho hoàn toàn kiệt sức vì hiện tượng mất nước và thiếu ăn, anh đã từ từ chìm vào cơn kích sốc, khi được đưa lên thuyền đánh cá, thì anh đã nhắm mắt ra đi.

Điều dưỡng tại Quân Y Viện Qui Nhơn
Hải Quân Trung Tá Nguyễn Ngọc Tĩnh, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn khi hay tin một chiếc ghe đánh cá đã vào gần đến hải cảng Qui Nhơn với 15 chiến sĩ Biệt Hải, đã lập tức cho tàu ra đón tại ngọn hải đăng đưa vào Căn Cứ và chờ phương tiện chở các anh về Quân Y Viện Qui Nhơn. Toán Biệt Hải đã được chở vào và được nằm điều dưỡng trong Trại Nội Thương 9. Bây giờ, các Biệt Hải đã đi đến cuối cuộc hành trình của mình sau hơn mười một ngày đêm tham dự cuộc hải chiến Hoàng Sa lịch sử. Nhiều chiến sĩ mê man nằm thiêm thiếp, mặc dù đã được các nhân viên Quân Y truyền cho loại huyết tương màu vàng để bổ sung nguồn protein, khoáng và nước bị mất. Các anh đã được bón cho những loại thức ăn nhẹ. Nửa căn phòng của Trại Nội Thương 9 đã được dành riêng cho nhóm 14 chiến sĩ Biệt Hải, dưới sự chăm sóc tận tụy của Quân Y và đồng đội thuộc Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn.

Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Xuân Cẩm, Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Qui Nhơn đích thân ra lệnh cho nhân viên Quân Y dành cho các Biệt Hải sự chăm sóc đặc biệt, vì các anh xứng đáng được đối xử như vậy. Mỗi ngày, mỗi chiến sĩ được truyền một chai huyết tương, uống sữa trứng gà ngày hai lần, cam vắt hai lần, uống nước súp xương thịt. Cuộc điều trị sang đến ngày 1.2.1974 thì các Biệt Hải được ăn cháo nấu với tim và cật, tình trạng sức khỏe của các anh đã rất khả quan. Những con người thép mà đã từng vượt qua chương trình huấn luyện “địa ngục” của Người Nhái, chẳng mấy chốc đã có thể ngồi dậy nói chuyện thoải mái và vui vẻ với tất cả những phái đoàn quân và dân tấp nập kéo nhau vào thăm hỏi, tặng quà khích lệ. Đặc biệt, các chiến sĩ Biệt Hải luôn nhớ ơn Bác Sĩ Cẩm Chỉ Huy Trưởng đã túc trực ngày đêm săn sóc các anh.
Phái đoàn đầu tiên đến thăm các chiến sĩ Vĩnh Lạc, Hoàng Sa, do Hải Quân Đại Tá Trịnh Quan Xuân, Tư Lệnh Vùng II Duyên Hải, đã dùng trực thăng đến an ủi và ủy lạo các anh với nhiều tặng vật trong ngày 31.1.1974. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, Đại Tá Hoàng Đình Thọ, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Định hướng dẫn một phái đoàn khác vào thăm. Sang ngày 1.2.1974, đến lượt Hải Quân Đại Tá Nguyễn Đức Vân, Trưởng Phòng Kế Hoạch Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đại diện Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân, đã đến thăm hỏi chiến sĩ trong buổi chiều và trao tặng mỗi anh số tiền 5,000 đồng. Món tiền tuy nhỏ nhưng nói lên cái tình giữa chiến hữu huynh đệ với nhau, và nó còn bày tỏ lòng tri ân của người hậu phương dành cho những chiến sĩ ở mãi tận ngoài đại dương.

Huy chương trao tặng cho những ân nhân
Một trong những cuộc viếng thăm có ý nghĩa nhất do Phó Đề Đốc Tư Lệnh Phó Hải Quân, hướng dẫn buổi sáng ngày 1/2/1974. Tư Lệnh Phó đã đại diện Tư Lệnh Hải Quân đến thăm hỏi, khích lệ và ủy lạo 14 chiến sĩ Biệt Hải. Tất cả các Biệt Hải đều vinh dự được tuyên dương công trạng, hãnh diện nhận mỗi người một huy chương cao quí Anh Dũng Bội Tinh. Phòng Tổng Quản Trị Hải Quân cũng trình Bộ Tư Lệnh Hải Quân đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu thăng cấp đặc cách cho tất cả 14 Biệt Hải.

Không quên những người ngư phủ đã cứu sống chiến sĩ Hoàng Sa, phái đoàn của Tư Lệnh Phó dùng tàu nhỏ di chuyển sang Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn để thay mặt chính quyền và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ lòng tri ân với năm công dân Việt Nam Cộng Hòa. Năm vị ân nhân này đã cảm xúc nhận năm chiếc huy chương cao quí của Hải Quân là Hải Vụ Bội Tinh. Buổi lễ tri ân được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng. Có thể là năm người ngư dân bình thường và vô danh này nghĩ rằng việc cứu sống những người lính Việt Nam Cộng Hòa là một việc bình thường trên biển cả với nhau. Nhưng chính là ở nghĩa cử này đã nói lên được một ý nghĩa cao cả, thắm thiết từ tận đáy lòng của họ. Đó là Tình Quân Dân gắn bó mà người lính gian nan của chúng ta qua những năm tháng phơi xương trải thịt chiến đấu bảo vệ đất nước và dân tộc đã chiếm được mối tình cảm của đồng bào ở hậu phương. Hải Vụ Bội Tinh vẫn chưa thấy đủ lòng tri ân, Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thì, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đã làm tờ trình xin Bộ Tổng Tham Mưu ân thưởng cho ông Dư Thanh Long, chủ nhân chiếc thuyền đánh cá mang số 3874, huy chương Nhân Dũng Bội Tinh. Cuộc trao gắn chiếc Bội Tinh sẽ được tổ chức ngay sau khi nhận được Quyết Định của Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài ông Long là chủ nhân chiếc thuyền, còn lại là những thủy thủ Dư Thanh Dũng, Nguyễn Tâm, Nguyễn Ngọc, Lý Luông, tất cả đều cảm thấy sung sướng khi chính các anh đã cứu vớt kịp thời các chiến sĩ Biệt Hải. Câu chuyện tàu 3874 tìm thấy chiếc xuồng ca nô mà trên đó 14 chiến sĩ của chúng ta đã gần như kiệt lực đã do chính ông chủ tàu kể lại như sau:
Ông Dư Thanh Long đang lái chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi Qui Nhơn, lúc đó khoảng 12 giờ 30 trưa. Ông Long chợt nhìn thấy một điểm đen ngoài xa, cách chiếc thuyền đánh cá của ông độ hai cây số. Lúc đầu ông Long tưởng là dân chài đánh cá gặp tai nạn nên dùng thúng chai chèo vào đảo Cù Lao Xanh, nhưng khi đến gần ông nhận thấy không phải, nên đã gọi những thủy thủ thức dậy để sẵn sàng cứu người, vì lúc đó anh em đang ngủ. Chiếc tàu đánh cá càng đến gần, thì nhóm ông Long đã có thể thấy rõ nhiều người ăn mặc rất lôi thôi, nếu không muốn nói là tơi tả, nhiều cánh tay đưa cao lên những khẩu súng. Là một người đánh cá từng trải và gan dạ, ông Long cẩn thận cho tàu của mình cặp sát vào chiếc xuồng cao su, ông đã nhận thấy trong số người lạ mặt này những bộ quân phục quen thuộc, nhưng tất cả kiệt sức nằm rũ riệt trong xuồng. Ông Long nghiêng mình hỏi vói xuống, rằng lại sao lại đến nông nỗi như thế. Trung Úy Liêm còn tỉnh nhất đã gào to lên:
- Tụi tôi đánh Hoàng Sa thoát về đây, xin cứu nhanh và đưa về Căn Cứ Hải Quân.
Ông Long phái mấy thủy thủ khỏe mạnh nhất nhảy xuống chiếc ca nô bồng lên từng người, những chiến sĩ nào còn có thể leo được thì tự leo lấy, nhưng phần lớn các anh đều phải nhờ sự giúp sức của các ngư dân. Khi đã leo lên được hết trên tàu, các Biệt Hải chỉ còn có thể nằm sải tay ra thở dốc và đòi nước như điên. Nhân có ấm nước đang sôi, anh em thuyền chài thi nhau thổi cho nguội bớt và trao cho các Biệt Hải nhấp từng ngụm cầm chừng. Đồng thời, các thủy thủ cũng dùng số thuốc cấp cứu mang theo trên tàu để cho các chiến sĩ dùng tạm. Nhận thấy tình trạng các Biệt Hải quá yếu, ông Long gọi bốn thủy thủ đem nồi cháo hồ đổ cho mỗi người nửa chén. Được một lúc, thấy những người lính có vẻ tươi tỉnh hơn, ông lại cho người đổ cháo tiếp, cứ mỗi nửa giờ đút cháo một lần. Tình hình sức khỏe các anh đã khả quan rất nhiều, trong lúc chiếc thuyền chỉ còn cách hải cảng Qui Nhơn chừng mười cây số. Ông Long đã rất lấy làm xót xa là đã không cứu được Biệt Hải Nguyễn Văn Duyên, vì khi anh được khiêng lên tàu, thì thân thể của anh đã bị tê liệt, anh đang thở những hơi cuối cùng. Chiếc ghe đánh cá đã xả hết tốc lực phóng vào bờ, với một hy vọng mỏng manh chạy đua với thời gian và thần chết, nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Biệt Hải Nguyễn Văn Duyên đã anh dũng đền nợ nước. Chắc anh linh của anh cũng đã thanh thản bốc lên trên khoảng trời trong xanh và trên mặt sóng của quê hương. Anh đã về đến hải phận Việt Nam và đã ra đi trong những giọt nước mắt nghẹn ngào của anh em.
Một vài khoảnh khắc sau, một chiếc giang đỉnh của Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn đi tuần đã bắt gặp chiếc thuyền, được biết tự sự, đã khẩn cấp gọi về Bộ Chỉ Huy để chuẩn bị phương tiện cấp cứu. Nhiều chiến đỉnh xuôi ra khơi để hộ tống chiếc tàu đánh cá tiến vào Căn Cứ. Cuộc hành trình của 15 Biệt Hải vượt thoát từ mặt trận Hoàng Sa đã chấm dứt. Tuy rằng các anh và những chiến hạm HQ 4 Trần Khánh Dư, HQ 5 Trần Bình Trọng, HQ 10 Nhật Tảo và HQ 16 Lý Thường Kiệt đã phải đớn đau rút bỏ Hoàng Sa, nhưng ít nhất Hải Quân Trung cộng đã kinh hãi khi phải đối đầu với cơn phẫn nộ của hậu duệ Ngô Vương Quyền, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, dù chúng có tạm thời chiếm được Hoàng Sa nhưng cũng đã phải trả cái giá rất đắt. Hai chiến hạm bị chìm và hai chiến hạm bị hư hại.

Lịch sử bốn ngàn năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, chưa từng có đế quốc Hán tộc nào có thể hùng cứ lâu dài trên mảnh đất Hoa Lục mà không bị sụp đổ. Trung cộng không ra ngoài định lý ấy. Nền kinh tế của nó hiện nay đang phụ thuộc rất nặng nề vào tư bản Hoa Kỳ, đó là cái tiền đề để dẫn đến một cuộc sụp đổ không tốn một giọt máu kiểu Liên Sô năm 1989. Trung cộng đang giẫm vào vết xe đổ của Liên Sô qua những cuộc chạy đua võ trang và không gian với người Mỹ, ấy vậy mà bọn chúng đang rất kiêu hãnh đẩy mạnh tốc độ cuộc thi tài. Cũng tốt cho nhân loại. Càng chạy nhanh thì cái hố địa ngục càng đến gần hơn. Rồi cũng có một ngày quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ trở về với dân tộc Việt Nam. Đến lúc đó, thế hệ con cháu Việt Nam sẽ giở lại những trang sử hào hùng của cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974, và sẽ thêm một lần cúi đầu ngợi ca ông cha của mình đã đánh giặc phương Bắc kiệt liệt đến như thế nào.

Phạm Phong Dinh

Friday, March 1, 2013

Vô Danh


1
Trận bão lớn đổ ập vào đang tàn phá thành phố... Mưa rả rích đã tuần nay. Gió bắt đầu cuồng loạn. Từ trong phòng nhìn ra mưa bay theo chiều ngang và có cát bốc theo trắng sóa bầu trời... Tiếng sóng biển gào thét vỗ vào bờ hất tung đụn cát rồi cuộn kéo ra khơi. Núi Ngũ-hành-sơn (Non-nước) ướt át im lìm trong gió loạn mưa cuồng. Thầm nghĩ cứ thời tiết như vầy thì chẳng có chiến tranh... Lúc này những trận đánh lớn liên tiếp sảy ra... Mới đây Trung-đoàn 5 bộ binh thuộc Sư-đoàn 2 bị một trận tơi bời tại Tiên-phước... Sư-đoàn Thủy-quân-lục-chiến đang cố giữ vững thành phố Quảng-trị... Kể từ khi Thủy-quân-lục-chiến Mỹ bỏ những tiền đồn tại Khe-sanh. Quân lực Việt-nam Cộng-hòa không đủ khả năng trám vào những khoảng trống để lại... Người anh hùng mũ đỏ tên Đương đang được hàng ngày ca tụng trên radio... Sau thất bại trong trận tổng công kích tết Mậu-thân 1968, cộng sản Việt-nam đã củng cố xong lực lượng. Sự hy sinh xương máu chẳng làm giới lãnh đạo bác việt chùn tay... Những trận đánh mà "hy sinh tiếc gì thân sống" đã làm giới quân sự Mỹ và Quân-lực Việt-nam Cộng-hòa sửng sốt đôi lúc không tin bởi những chiến thuật trái ngược chiến thuật... Người ta đã buộc lòng phải tàn sát cả một đại đội lính nhẩy Dù chết chung với một tiểu đoàn quân bắc việt trên một cao điểm trận địa... Sau những trận đánh người ta lật mặt xác chết, ngậm ngùi và thương tâm trước những chiến binh bắc việt tuổi chỉ vào khoảng 14,15,16.

Hào quang Điện biên phủ dẫn vào lòng chảo Khe-sanh. Họ quần nhau với quân đội Mỹ mà chẳng tiếc gì thân sống dù rằng có vũ khí mới là xe tăng. Mưu cầu chiền lược đang nhắm vào sự tỏa hào quang như Điện-biên khi xưa... Nhưng cũng có lẽ, ý muốn thiết thực nhất vẫn là đám phản chiến tại Hoa-kỳ và hy vọng số thương vong của quân sĩ Mỹ sẽ làm Quốc-hội trói buộc phần nào giới cầm quyền... Ôi ! mình là người lính suy nghĩ chi cho nhức đầu... Dù sao cái nhìn của mình cũng chỉ từ đỉnh đầu ruồi đến lỗ châu mai. Mỉm cười với ý nghĩ đó...Bên kia Trung sĩ  Thành (Trịnh công Thành) toán phó mới toanh thay thế Trung sĩ Quang, hắn trong thế nằm co co trong chăn. Miệng như mơ ngủ.

2
Hình ảnh người bạn gái mới quen trong bữa tiệc cưới người em trai của Mai. Bích-Yến con nhà tiệm tạp hóa trên đường Độc lập, Đà nẵng có họ hàng với Mai, cùng quê Phú-cam Huế...Vô tình hay cố ý nàng được chủ nhà sắp sếp ngồi cạnh tôi trong bữa tiệc...Nhan sắc trung bình nhưng nét dịu hiền và vóc dáng mảnh khảnh đã thu hút tôi. Trong câu chuyện ngồi gần nhau hỏi vu vơ...Cái giọng Huế, ôi! nó dịu dàng, truyền dẫn thanh tao lạ... Đôi lúc bên tai khe khẽ hé mở Đào nguyên. Sau bữa tiệc, lại một sự sắp sếp nữa chăng?. Cường đất bảo tôi lái xe đưa khách về tận nhà.
Đấy phút đầu gặp nhau chỉ có thế, tôi và nàng dần đi đến chỗ thân quen...Có những dịp đưa đón trước cổng trường, sao mà lãng mạng bay bổng. Hay những buổi chiều hóng mát trên ghế đá bờ sông Hàn...Lòng như dịu lại, thoát hết đi những sô bồ đời người...Như chiều nay, nhìn mấy đứa bé tắm sông, giỡn nghịch đang leo lên cành cây de ra ngoài mặt nước...Tôi nghe thấy tiếng nhẹ bên tai "Anh nì, sao không xin chỗ làm như anh Cường. Việc chi mà cứ đi hành quân hoài như rứa..." Tôi ậm ự cho qua và chỉ còn biết có một điều, lâu lâu không gặp nhau là nhớ mải mê, bần thần... Dạo bước qua những hè phố đường Quang-trung luôn rợp bóng cây. Tự dưng nàng nằm chặt tay tôi... Bên kia đường, từ quán cà phê giọng hát ngọt ngào tha thiết của Hà-thanh "Cầm tay nhau đi anh, tơ trời quá mong manh". Lòng tôi như đang du vào mộng và chợt tỉnh người trong cái "Cuộc tình lên cao vút".
Trở lại bờ sông sau khi đã lấy cuốn tập, nơi nhà người bạn...Thành phố lên đèn, bờ sông chật bóng người. Nhưng phía cuối, gần trường tiểu học Pháp. Nơi chiếc ghế cuối cùng, chúng tôi ngồi bên nhau...Ngòn đèn trên đài ra đa Sơn-chà chớp tắt. Vịnh cảng Tiên-sa lung linh ánh đèn. Gió sông lành lạnh mang mùi nước... Tay trong tay, sát gần nhau như còn muốn gần hơn nữa. Hơi thở cùng hòa nhịp. Sát bên như con chim bé bỏng cần được ấp ủ. Tôi siết chặt vòng tay và hôn lên mái tóc... Chỉ muốn thời gian ngưng lại đừng trôi nữa và xin cho tôi thêm một khoảng khắc tuyệt vời bên nhau thổn thức trong ý nguyện "Chỉ hai đứa mình thôi nhé"

3
Ba toán được điều động, thể theo lời yêu cầu của Tư-lệnh Quân-đoàn 1... Phía người Mỹ (SOG) tin rằng nơi đó có một trại giam giữ tù binh, có cả lính Mỹ... Hải Vân, Hải Sơn, Hải Yến được lệnh hành quân.
Trong phi trường Chu-lai, nơi đặt căn cứ xuất phát, sáng nay sau thuyết trình không quân, lệnh xâm nhập được ấn định vào buổi chiều... Hải Vân, Hải Yến cùng một lúc xâm nhập, sau đó trực thăng sẽ đưa Hải Sơn, toán chúng tôi lên nơi một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 2 bộ binh và toán sẽ từ điểm này xâm nhập mục tiêu.
Nắng gay gắt vào buổi chiều, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt từ sân xi măng. Sáu Kingbee cùng hai Cobra trên sân đợi lệnh xuất phát... Một người Mỹ đang đánh bài và làm cái chia xập xám với Lập lùn (thông dịch toán Hải yến) Đại úy Nhơn (cơ trưởng Kingbee) và Lợi (mê vô)... Huyên náo trong tiếng cười nắc nẻ. To nhất, tiếng nói xin đặt ké của Thiếu úy Thuần (Lưu van Thuần) toán trưởng Hải Vân... Ngồi chầu rìa vì hết tiền trên bánh trực thăng Thiếu úy Thông (Nguyễn cửu Thông) toán trưởng Hải Yến đuỗn mặt buồn so... Đoàn người túa ra từ dẫy phòng nghỉ. Đã có lệnh xuất phát... Phút chốc tiếng cánh quạt xoay dòn... Tám trực thăng đồng cất cánh... Trên sân chỉ còn lại toán tôi cùng vài người Mỹ chờ trực thăng thả xong toán trở về.
Từ vùng núi xanh thẳm ngàn sương. Những đốm đen trực thăng rõ dần, rồi đáp xuống mé bên kia phi trường để đổ xăng... Đoàn trực thăng yên vị trên sân. Từ chiếc trực thăng đầu tiên phía trên đổ ra đám người, có kẻ phải dìu mới đi được. Nhìn kỹ dáng Thiếu úy Thuần đang cà nhắc lết tới... Chúng tôi chạy đến xem có phụ giúp được gì không?. Từ chiếc trực thăng khác lại thấy ba Kingbee quần áo sốc xếch có người áo rách toạc trên vai... Nghi ngờ tôi đếm lại, thiếu một chiếc Kingbee. Xe cứu thương cũng vừa tới nơi, chuyển ngay những người bị thương đi bệnh viện. Hỏi chuyện người mê vô trên trực thăng, anh ta cho biết... Thả xong được một toán, trực thăng tiếp thả toán thứ hai, nhưng vào ngay hầm trú ẩn của địch. Bị hàng loạt đạn chiếc Kingbee đâm ngay xuống khi chỉ còn cách vài mét nữa là đáp xuống bãi... Cũng may địch đã biến mất, để lại hai xác chết bị đạn của Cobra... Chúng tôi được lệnh lên trực thăng và trong ánh chiều tà yếu ớt, hắt lên những làn gió lạnh. Toán được thả xuống Bộ chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh đang hành quân trong rừng vùng Thượng Đức.
Sáng nay trời còn ẩm hơi sương. Núi trước mặt và rừng cây trùng điệp. Một đại đội bộ binh sẵn sàng đưa chúng tôi đến địa điểm xâm nhập... Từ lều bạt của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Thiếu úy Điệp cùng Trung sĩ Trịnh công Thành (toán phó) ra lệnh cho toán chuẩn bị xuất phát. Mặt trời cũng đả rọi xuyên qua những cành lá. Đoàn quân di chuyển lầm lì trong tiếng hót chim ca chào ngày mới... Đi được khá lâu, một cái nhà sàn lẻ loi trên lưng chừng cây, bên dưới những ống tre đựng nước hay nấu cơm nằm lăn lóc. Một con lợn mọi xinh sắn nhìn chúng tôi xong chạy biến vào rừng, khi một người lính định bắt nó... Cảnh núi rừng âm u mờ trắng bởi những sương khói mịt mù... Bên trên tàn cây, ánh mặt trời bất lực trước cái rậm lá cành của rừng cây. Đại đội dừng lại nghỉ ngơi. Ông Đại úy Đại đội trưởng đang cùng Thiếu úy Điệp rà soát lại bản đồ... Một Covey O2 đang trên đầu tôi đã thấy Phan gia Thạnh (biệt kích quân) bật mở máy và trao ống nói cho tôi... Một ông Mỹ trên Covey bao vùng. Tôi hẹn đến khi tách khỏi đoàn quân, sẽ gọi báo cáo. Tiếng Covey nhỏ dần. Đoàn quân lại tiếp tục di chuyển, qua khỏi được con suối cạn, đang lên bờ dốc... Những đàn khỉ trên cây chực chờ nhe răng chào đón, có những con nhăn nhăn tay chỉ trỏ... Ông Đại úy bộ binh nói với Điệp trên dốc là tọa độ xâm nhập và Thiếu úy Điệp cùng đồng ý  khi xem lại bản đồ.

4
Toán chúng tôi lẳng lặng di chuyển thẳng hướng tây, trước cái vẫy tay chào của Bộ chỉ huy đại đội bộ binh . Châu (biệt kích quân) đi đầu giờ phải vất vả mở đường. Thiếu úy Điệp đi kế, đến tôi Hải (thông dịch, biệt kích quân) Phan gia Thạnh (biệt kích quân, radio man) Trung sĩ Trịnh công Thành (toán phó) Cường nhóc (biệt kích quân) đoạn hậu.
Tiếng súng đồng loạt nổ sau lưng, có cả M79, lựu đạn. Nhưng trội hơn, cây đại liên M60 tung hoành như tiếng thét tử thần đanh đảnh.Đại đội bộ binh đang chạm địch... Chúng tôi cố thoát đi thật nhanh trong tiếng hô xung phong gào thét... Núi rừng bỗng trở nên yên lặng đến rợn người... Đại đội bộ binh đã tiền chiếm xong mục tiêu... Hay bị địch quân phục kích bắn tỉa?!
Toán đã đến được bìa rừng, phía trước là cánh đồng cỏ dễ chừng cả cây số mới tới cửa rừng bên kia... Ngồi bên Thạnh, tôi bật máy gọi Covey. Bắt được liên lạc, tôi yêu cầu xác định vị trí theo đúng trong thuyết trình. Trên Covey trả lời sẽ tới ngay... Cường nhóc tay cầm sẵn cái gương chiếu chờ đợi... Covey đang ở trên đầu, nhanh và gọn"mắt thần" lóe lên thẳng vào Covey.
-Whisky lima đây Bravo kilo, đã thấy địa chỉ, trong chốc lát tôi sẽ chuyển điện tin cho anh.
Đúng theo kế hoạch hành quân, đây là lúc toán mới biết được mục tiêu và nhiệm vụ của mình... Trong máy có tiếng gọi, tôi ghi vội bức điện bằng mật mã, rồi chuyền ngay cho Điệp mở khóa... Mục tiêu đã được xác định, hướng bắc, nhiệm vụ thám sát khu vực có bệnh viện... Chúng tôi ăn trưa quanh gốc cây, lạ một điều, thiếu hẳn tiếng súng truyền tin của địch.
Vội vàng di chuyển sau ăn trưa. Rất may cho chúng tôi mục tiêu ở về hướng bắc. Toán sẽ được che chắn bởi rừng rậm,mà không phải vượt qua cánh đồng cỏ dễ lộ tung tích. Âm thầm, mồ hôi nhễ nhại trong khu rừng chồi rậm gai góc chúng tôi chậm chạp tiến xâu vào mục tiêu... Thở phào nhẹ nhõm khi trước mặt hiện ra rừng cây cao bóng cả nhưng âm u huyền bí và đã cảm nhận được cái không khí lạnh toát ra. Sự thoải mái hiện trên từng khuôn mặt... Khu rừng tầm nhìn vừa này,không rậm chẳng thưa đã gây dễ chịu thoáng đãng... Nhìn lại mầu nắng vàng sau lưng và bóng một đám mây đen dần trôi trên cánh rừng chồi gai rậm, lòng như trút bỏ được gánh nặng... Châu ngồi thụp xuống và Điệp đưa tay ngừng lại. Qua kẽ cây lá cách khoảng áng chừng ngoài hai mươi mét. Trên phiến đá, cạnh gốc cây to, hai người mặc đồ đen, người có mái tóc dài bên trái đưa tay chỉ chỉ gì xuống đất... Bỗng một tràng cười lay động tiếng chim. Họ như vật nhau xuống, biến mất vào bên kia phiến đá... Chúng tôi nhìn nhau mắt dò hỏi. Tôi bỗng mỉm cười thốt lên "búm bùm" Một cái đá chân của Điệp và tay Cường nhóc đập vào vai tôi... Nhìn quanh mọi người đều cười trong họng và quên bẵng đi cái áp lực đang đè nặng. Thời gian chậm rãi trôi qua. Một cơn gió lốc quanh co ào ạt tiến tới mang theo những lá cây trên rớt xuống, dưới bốc lên nhanh chóng đang xoáy đến chỗ chúng tôi và cũng vừa lúc hai người kia lại xuất hiện bên phiến đá... Họ dắt tay nhau đi về phía trước biến dạng... Ngồi chờ nghe động tĩnh. Toán di chuyển trong ánh chiều tà bên hông, qua chỗ phiến đá hiện trường, Điệp đi trước cứ tò mò nhìn. Tôi phải dục " đi mau, nhìn vào sui lắm".

5
Bữa cơm chiều đánh vật với muỗi và vắt, tiếng vo ve đâm sầm váo hai tai trong khi trên lá cây rụng, đoàn xiếc vắt uốn dẻo điệu nghệ hơn cả những vũ công ba lê. Chúng tôi di chuyển trong bóng mờ mờ và chọn được một gốc cây cổ thụ... Ngồi nghe ngóng một hồi lâu. Cường nhóc và Trung sĩ Thành đi ra gài hai trái mìn claymore phòng thủ... Bóng đêm bao trùm thật nhanh. Có tiếng ho trong vạt tay áo. Dựa mình vào ba lô, tôi thoải mái đặt lưng... Âm vang núi rừng theo gió hòa cùng muông thú reo vang. Con tắc kè trên tít cây cao buông xuống năm tiếng tắc kè chậm rãi xoáy vào tai. Một chiến đấu cơ phản lực bay đêm xẹc ngang vô duyên phá vỡ cơn mơ dỗ giấc ngủ... Tôi bật dạy lắng nghe. Hình như có những tiếng động liên tục theo gió trôi dạt. Nằm im nghe ngóng, đã có những cái cựa mình của đồng đội... Quả nhiên không sai, những bước chân rõ dần đang đến thẳng chúng tôi. Hoảng kinh về sự mau lẹ, có thể sắp đạp vào nơi đây... Nó dồn dập đập đất tạo nên âm thanh chạy trốn vang động. Tiếng huýt sáo cất lên trong đêm cao vút bắt đầu bản quân hành, hòa nhịp cùng bước chân điệu nghệ trùng khớp nhịp ca... Cả toán đều biết rằng mình đang ngủ đêm gần con đường có thể chỉ là hai mươi mét chăng?!.  Đoàn người dần đi xa chỉ còn nghe nhỏ tiếng bước chân... Tưởng đã hết nhưng lại tiếp tục tiếng bước chân sau như hòa nhịp cùng bước quân hành đi trước. Nghe hơi xa có tiếng ho sặc sụa nổ phổi cùng âm thanh vẻ nặng nề chậm rãi đi lên. Trăng đã lên tự lúc nào đang cố chui ra khỏi đám mây đen, tỏa một nửa ánh sáng... Đồng hồ mới chín giờ tối. Nhìn quanh chúng tôi đã thấy nhau. Bước chân bỗng im bặt ngang chỗ chúng tôi và một giọng truyền lệnh "Các đồng chí nghỉ một tí, đồng chí Phúc hãm bánh xe". Rừng đêm trỗi dậy, muông thú kêu, hú thênh thang vọng dội. Ánh trăng trắng ngà thấy cả cây đa... Hình như có tiếng chặt cây nghe bộp bịch "Thôi các đồng chí, chúng ta mau vào vị trí càng sớm càng hay". Sau tiếng hò dô ngắn rồi dần dần mất hút... Địch đang đưa pháo hay phòng không vào trận địa.
Thiếu úy Điệp đến bên tôi bàn bạc... Phải di chuyển khỏi chỗ này ngay trong đêm và đồng ý với nhau, sáng sớm mai xuất phát lúc gà gáy dồn. Nằm xuống tựa lưng vào rễ cây, tôi tạo cảm giác an toàn trong trí. Tiếng cựa mình trằn chọc phía Cường nhóc, chắc đang nghĩ tới mẹ. Nhắm mắt tưởng về bầu trời sao thăm thẳm, tôi dần thiếp đi vào giấc ngủ.
Trỗi bật dậy trong liên hồi tiếng nổ tiếng súng rền vang. Hướng đông, ngay lập tức tôi ước chừng cả cây số. Mở màn cho trận đánh vào Tiểu đoàn toán xuất phát. Mới hai giờ sáng. Tiếng đề pa của pháo nghe gần hơn và gấp rút. Sau trận pháo chắc chắn là cuộc tấn công. Tiếng nổ âm vang ấm tròn bung lên hòa vào liên tục tiếng súng lanh lảnh dòn tan. Hình dung bóng đen tử thần luẩn khuất chộp vội những sinh linh đang ngơ ngác... Trò chơi chiến tranh dẫu sai lầm nhưng vẫn là cái mãn nguyện trong hí hửng của con người. Kẻ thắng sung sướng tột cùng ứa nước mắt và người thua thường đưa tay ôm mặt cũng trong nước mắt... Cái giọt nước ngọc ngà ấy từ mọi khóe mắt đều được nhỏ ra trước mọi tình huống cuộc đời. Ôi! Thượng đế ngài xoay ngang hay dọc?!! Thêm những tiếng hò reo vang dậy có thể là một chiến thắng hay đang mở màn cho cuộc tấn công tàn sát ?! Thiếu úy Điệp ra lệnh di chuyển. Toán chuẩn bị, đã thấy Thành và Cường nhóc đang cuộn sợi dây điện đi ra gỡ mìn. Trận đánh vẫn âm vang núi rừng từng chặp dồn dập, từng chặp lai rai. Châu đang xem địa bàn. Chúng tôi di chuyển dưới ánh trăng và hỏa châu hắt đến từ trận địa.

6
Vượt vội qua con đường đêm qua địch di chuyển, vẻ âm u, chỉ có gió lạnh lùa từ hai hướng con đường, nhìn vào mặt đường những bóng đổ xoài theo nhau vào khu rừng mới... Cánh rừng thưa thấy rõ từng gốc cây, ánh trăng lốm đốm chỗ có chỗ không quanh khu vực, thầm nghĩ rất may là có bóng đêm che chắn... Thám sát mà lộ ra tung tích thì kể như bù... Toán đi được nhanh cũng nhờ vào trận địa ở một bên ầm vang không dứt, nhưng chẳng làm các chú gà rừng điếc không sợ súng theo bản năng cất tiếng gáy. Trăng cũng đã ẩn mình vào núi... Sáu cái bóng ma lầm lũi đôi khi vấp phải đá té khụy trên đất. Bên kia trận bớt tiếng súng, có lẽ thắng thua đã được phân định. Muỗi thì nhiều bay theo gió lành lạnh trong cái mờ mờ hơi sương. Châu dứng lại, báo cáo có con đường mòn trước mặt. Ngồi xuống nghe ngóng động tĩnh, chúng tôi quyết định vượt con đường, từng người một Châu đã qua trước đang trong thế yểm trợ. Điệp cũng vừa mới đến mép đường bên kia, bỗng ngã chúi, tôi thấy hắn đưa tay gỡ cái gì dưới chân và rồi đưa lên sợi dây điện thoại. Mọi người đều hiểu rằng phải nhanh chóng thoát khỏi nơi này.
Có tiếng xe chạy bên dưới dốc. Toán đang ngược lên đồi. Châu đứng lại xem la bàn, chim chóc như còn ngái ngủ lao xao trên cây. Tôi bị một cái trượt đau nhói ở đầu gối, nhìn lên gương mặt thất thần của Châu, tôi hiểu ngay có gì nghiêm trọng, hắn thụt lùi rồi nép vào gốc cây bên cạnh và sua tay đừng lên... Mọi người đều ngồi thụp xuông chờ đợi. Tôi và Điệp bò lên xem tình hình, đến được chỗ của Châu đưa mắt nhìn... Dưới dốc thoai thoải, cách khoảng ước chừng một trăm mét. Nơi đóng quân của địch. Cạnh những hầm trú ẩn địch đứng ngồi và những chiếc võng mắc vào cây, lan dài xuống phía dưới dốc có bốn chiếc xe đang đậu hàng một... Cố giữ cho êm, chúng tôi tẽ ngoặt sang bên phải, nương vào sườn dốc... Vất vả lắm mới kiếm được một bụi rậm, bên dưới tảng đá cao trên đầu người. Ngồi nghỉ cho hoàn hồn chờ Covey có lẽ cũng đã tới phiên. Ánh mặt trời lóe sáng, bóng đen của tảng đá trùm khắp chúng tôi. Thiếu úy Điệp nói nấu cơm nhanh lên... Ca nước được nấu bằng chất nổ dẻo C4 nhanh chóng reo sôi, đổ vào hai bịch gạo sấy thêm ít nước lạnh cho đủ rồi vội vàng một cữ cà phê sáng... Lấy ra điếu thuốc hỏi Điệp hút được không và bằng những cái sua tay của nhiều người, tôi nhăn nhó cất đi... Điệp vội soạn bức điện đưa cho tôi... Tiếng Covey đang trên hướng trận đánh đêm qua và gọi toán. Tích tắc tôi chuyển ngay bức điện và tiếp tục di chuyển chờ đợi lời yêu cầu oanh kích.
Toán đang di chuyển xuống con dốc thoải cây rừng và tre nứa mọc chen nhau. Đã có tầm che chắn, tôi bớt lo trong dạ. Một tiếng súng nổ chát chúa ngay bên. Cả toán ngồi thụp xuống và bò vào bụi tre gai nhưng chỉ chắn được mé trước..." Hất nó sang một bên đi, thằng nỡm". Một giọng kẻ cả đang mắng người bên cạnh... Nhìn ra bốn tên bộ đội đang cố vần con heo rừng đen thui to lớn sang một bên, cạnh là cái hố dài, có cây rừng to đặt chính giữa. Tôi hiểu ngay ra con heo rừng sa bẫy bị bắn chết và được khiêng về thịt. Cái bẫy giản dị này tôi đã thấy vài lần... Người ta đào một cái hố chữ nhật, xâu chừng một mét, bề rộng chưa đến một mét. Đặt một cây rừng hơi lớn vào giữa, đóng nọc giữ hai đầu cây cố định theo chiều dài của hố. Hai bên khoảng trống của hố, lấy tre hay cây chồi nhỏ phủ kín...Con vật nào sa vào. Càng dẫy càng bơi không khí rồi cứ vậy hét lên báo cho chủ bẫy đến thanh toán. Quả thật lúc đầu, những chuyến nhẩy toán trước tôi cứ tưởng là hầm chiến đấu... Bốn người gánh con heo rừng đi xa, chúng tôi mới cẩn trọng tiến tới

7

Châu đang đứng trước đầu một khe đá lởm chởm, cây lá cỏ che phần nào phía trên. Lấy địa bàn ra xem Thiếu úy Điệp ra lệnh Châu tiến tới. Đường đá lởm chởm thật khó đi, lại xuống dốc... Đây là một khe đá thoát nước...Covey đang ở trên đầu, tôi ra hiệu cho Thạnh và gọi Điệp dừng lại.Cái khe cạn này bốn bên rất kín đáo nhưng hở to phía trên... Nếu địch từ trên tấn công, chắc chắn không còn mạng nào... Nhưng chúng tôi muốn tiến tới mục tiêu nhanh nên đành phải chọn và thầm nghĩ chỗ nào cũng có thể chạm địch vì đang ở trong làng của họ. Covey chuyển cho toán bức điện và Điệp đang bạch hóa... Nội dung được biết không chấp nhận oanh kích, toán tiếp tục nhiệm vụ. Thầm nghĩ có thể chỉ vì những tù binh người Mỹ theo tin tức đang bị cầm giữ nơi đây...Quả cái khó bó cái khôn hay trong chính sách đổi mới về cuộc chiến Việt-nam.
Cái khe đá nhỏ đưa chúng tôi tới một con suối. Toán đang ở bên bờ bên này. Địa thế rậm rạp đủ che chắn tốt. Thiếu úy Điệp lệnh cho toán ăn trưa tuy rắng hãy còn sớm. Tôi ngán ngẩm nhìn con suối, bởi muốn vượt qua khoảng trống ước chừng bẩy tám chục mét mà không bị phát giác, quả là điều khó... Vì địch luôn hiện diện mọi nơi... Vừa lấy bịch cơm chưa kịp ăn, tiếng ơi ới gọi nhau đằng xa, tôi cố nhìn nhưng chẳng thấy gì... Ở những nơi địch đóng quân, con suối thường được coi là nguy hiểm đối với chúng tôi vì chính nơi đây người ta giải quyết mọi nhu cầu... Cất bịch cơm vào lại ba lô, ngồi nghe ngóng động tĩnh... Bên kia suối bốn người đang giặt quần áo vỗ bồm bộp vào đá. Nhìn qua bên này có một tên đang đi tới. Khu bụi rậm chúng tôi đang ẩn nấp nhô hẳn ra ngoài suối, có thể mùa mưa nước chảy nhiều đem theo đá đất trên cao lấn dần ra suối... Tên bộ đội lững thững đi tới tay cầm cái siên nhọn đâm cá, bên hông cái dây xâu mới có ba con. Mặt láo liên vào từng hốc đá, đột nhiên chạy nhanh về phía chúng tôi, còn khoảng năm sáu mét, cây siên cá đâm vào hốc đá và đưa ra con cá dẫy đành đạch... Mọi người nhìn nhau chuẩn bị tác chiến. Tôi ra dấu đánh bằng tay và cầm cục đá, mọi người hiểu và gật đầu... Tên bộ đội cho con cá vào dây xâu, chân bước về chỗ chúng tôi, mắt nhìn vào những hốc đá, chẳng thấy gì hắn dừng lại đưa tay cởi nút quần tiểu tiện. Hứng chí đưa vòi nước tiểu rẽ qua rê lại, xong miệng kêu "bùm" hất vòi nước thẳng về phía trước... Hết nước tiểu hắn ưỡn người ra sau tay điều khiển "thằng nhỏ" gật gù lễ phép như chào chúng tôi ?!. Bóng một con cá từ bờ lao thẳng ra ngoài. Tên bộ đội để cả "thằng con" tại ngoại vội lao theo, xem cá vào hốc đá nào ? Chúng tôi thở phào vì con cá đang dẫn tên bộ đội sang bờ bên kia... Lượng định tình hình và sau bàn bạc toán đều đống ý ở tại nơi này chờ tối sẽ băng suối... Vì mục tiêu ở hướng đó.
Thời gian chờ đợi sao chậm chạp đến khó chịu, cả buổi ngồi tê mông có đứng lên nhiều lần cũng không giảm được sự tù túng đến phát điên... Vẫn những cảnh lấy nước, giặt áo quần, tắm rửa... Trời về chiều soi hạt nắng nhảy múa theo dòng nước suối chẩy, gặp những mô đá, nước hất tung nắng lên theo... Thỉnh thoảng vẫn đâm xẹt những con cá từ hốc đá này đến kia tìm mồi. Covey bay ngang, lấy xong bức điện báo cáo rồi đi ngay... Trước tình hình mới, mọi nhu cầu trong đơn vị đều bị cắt giảm. Sự trợ lực về Không quân nay hạn chế sử dụng... Các cuộc hành quân vượt biên phải xin phép phê chuẩn. Đơn vị SOG gần như đơn độc chiến đấu. Người ta đang trói buộc nhưng cũng chính là niềm hãnh diện cho SOG... Dù nghèo đi nhưng hoạt động chẳng mấy giảm... Đơn vị vẫn cung cấp tin tình báo quân sự cập nhật mà mọi Tư lệnh đều phải thèm muốn.

8
Nhiệm vụ của chúng tôi thêm khó khăn khi địch quân tổ chức các đơn vị chống Biệt-kích, chuyên theo dõi các bãi đáp ngày đêm và họ còn có thêm cả máy dò làn sóng truyền tin... Có những toán vừa xuống đã về ngay vì lộ, hay chỉ hai ba ngày trong mục tiêu... Không chết, mất tích cũng bị thương. Ông Nixon cố tỏ mính là cọp, nhưng Bắc việt bắt bài mỉm cười nói "cọp giấy". Trời đã tối hẳn, toán đồng ý cởi giầy, xắn quần để vượt suối. Ôi! nhiêu khê chỉ một con suối rộng chẳng đáng... Bì bõm lần mò mắt dõi theo người đi trước, tai luôn dựng đứng chờ đợi. Toán cũng sang được phía bờ bên kia an toàn.
Cây rừng và đá bên dưới, thêm bóng tối vây bủa, vất vả lắm chúng tôi mới đến được quanh phiến đá rộng để mang lại đôi giầy. Đàn muỗi hò hét bên tai, đêm vắng lặng, tiếng côn trùng rên rỉ. Vài tiếng hú từ xa nghe cô đơn não nuột. Toán ngồi đợi trăng lên để định địa thế... Tiếng đề pa của xe nghe như đâu đây, rồi tiếng động cơ đều đều theo gió vọng lại. Bây giờ tiếng động cơ chạy dài xuống mé cuối... Đoàn xe đang di chuyển xuống hướng nam. Tôi nói Điệp định vị trí đoàn xe và hướng đi... Chắc chắn những sĩ quan hành quân rất thích thú về báo cáo này... Rút cục trăng cũng đã lên cùng ánh sáng vằng vặc. Qua tàn cây nhìn trăng tôi nhớ đến tết trung thu mà lòng háo hức khi còn bé... Tay càm quà bánh nhưng chẳng ăn. Tiếng của Điệp thì thầm ngắt phức cái liên tưởng ấu thơ "Châu cứ đi đúng hướng xem địa thế ra sao rồi tính".
Cây rừng, dây leo chằng chịt cản trở, Châu đi đầu cứ phải né, hắn luôn dừng lại lượng định lối đi và xem địa bàn. Âm thầm mò mẫm nhưng rất may còn có ánh trăng và thi thoảng ánh hỏa châu lan tỏa sau lưng... Ngồi nghỉ nghe động tĩnh hồi lâu bên phiền đá Thiếu úy Điệp quyết định chọn chỗ ngủ đêm... Trung sĩ Thành và Cường nhóc đã gài xong hai trái mìn claymore. Trăng đang rọi thẳng trên đầu, nhưng cũng không qua nổi tàn cây rậm trên chúng tôi. Mọi người đã yên vị, lặng thinh thưởng thức âm thanh rừng đêm. Tiếng hắng giọng của con tắc kè chậm rãi rồi buông năm tiếng tên mình... Một loạt tiếng côn trùng cất lên và được phụ họa bởi những anh hàng xóm thích đua...Âm thanh chạy dài lên phía trước... Ý nghĩ tay trong tay mềm ấm của người yêu và ngọn đèn chớp tắt trên đỉnh đài ra đa Sơn-chà. Gió hiu lạnh từ sông đưa tôi mau vào giấc ngủ.
Thức dậy sau một đêm ngon giấc, trời mờ sáng. Bên kia Trung sĩ Thành và Cường nhóc đang nhâm nhi chung ca cà phê, mỗi lần hút thuốc các hắn đều phải thở khói vào tấm áo mưa dưới đất. Điệp và Châu bên này đang ngắt từng tí chất bột dẻo từ bánh C4 chất nổ để đun nước. Tôi đứng dậy sách súng đi vệ sinh trong tiếng gáy dồn te te của lũ gà rừng mà không khi nào trông thấy chúng... Sương mù dầy đặc dăng dăng trôi theo gió làm ướt đẫm lá cây như nhỏ lệ. Gió lùa luẩn khuất mang theo cái mùi ngái nồng, hăng hắc đặc trưng của rừng cây... Mờ sương giăng mắc chẳng làm lười được lũ chim trong tiếng ca hót sớm trên cành, ngoài xa một con thú hú lên rồi gầm gừ kêu rống theo sương lạnh như hận kẻ bạc tình trong đêm.
Cường nhóc lên đi đầu thay cho Châu, tay đang cầm la bàn xem hướng. Điệp đưa bức điện báo cáo cho tôi. Toán bắt đầu di chuyển... Bến bề yên lặng lâu lâu mới có tiếng chim gọi nhau, mới đi có một chốc đã ướt đẫm hai vai và khăn thắt ngụy trang trên đầu...Những con chốt đang di chuyển và người ta muốn biết tiếng nói tường tận từng ngày, nhất là xem sự gì sảy ra!  Vô danh quả là vô danh... Covey hôm nay lên sớm cùng ánh nắng, Thạnh bật máy chờ, hắn dưa ống nói cho tôi. Đứng lại tôi chuyển bức điện và nhận lại lệnh đưa cho Điệp mở mật mã... Tiếng Covey xa dần. Chúng tôi tiến bước sau cuộc bàn bạc khi Điệp thông báo lệnh... Trận không kích được ấn định vào lúc 11 giờ sáng, đồng yểm trợ để một đơn vị bộ binh tiến chiếm cao điểm chiến thuật. Chúng tôi lạc quan vì còn nhiều thì giờ.

9
Cường nhóc dừng lại báo con đướng mòn phía trước. Tôi và Điệp vội lên xem... Đường mới, sử dụng thường xuyên, rộng chừng ba mét, rất ít lá cây, dấu dép và bánh xe đạp mọi nơi... Thiếu úy Điệp chụp vài pô ảnh và đưa tay ngoắc ra hiệu vượt qua đường.
An toàn ngồi nghỉ bên gốc cây. Có tiếng húng hắng ho ở con đường mới qua và dần những bước chân nặng chịch đạp đất chẳng thương mỗi lúc một rõ. "Anh Liền ơi, ngưng lại để em vặn lại con ốc, sắp long ra rồi". Một giọng gằn gằn kẻ cả " thằng chết tiệt, ông đã bảo rồi, lấy tí vải rách lót mà xoáy nó vào " Đồng thời có vài tiếng cười nhạo " đi sau nhá, chúng tớ chẳng chờ đâu". Đoàn xe đạp thồ nhịp nhàng bước chân thình thịch đằng sau cứ tiếp nối... Tôi đề nghị , mặc kệ, toán cần di chuyển ngay... Họ việc họ, chúng tôi việc chúng tôi. Tôi cười thầm: nhưng đang sống chung một rừng.
Một địa điểm ưng ý đã được chọn, chúng tôi gài mìn phòng thủ và lựa vị trí chiến đấu. Cũng sắp tới giờ ấn định... Chúng tôi ngang tàng hút mỗi người một điếu thuốc. Nắng chếch trên đầu, vài con sóc đuôi dài thòng từ bụi cây chạy leo vút lên cây cao. Vài con gà điên gáy cả buổi trưa quanh đây. Nắng rợp trong chốc lát và đám mây đen dần trôi... Nghe tiếng Covey Thạnh bật máy chờ. Thiếu úy Điệp cùng Châu đang nhai cơm sớm. Thạnh đưa ống nghe cho tôi, nhưng tôi lại chuyển cho Điệp... Đại úy Ginh (Trần trung Ginh) trên Covey. Điệp ra hiệu chiếu gương và rồi Covey vòng sang mé kia. Tiếng ầm ầm của phản lực cơ giờ vang vọng. Trên bầu trời, hai chiếc F4 Phantom chờ mục tiêu. Tôi nghe tiếng xẹt từ Covey bắn rocket khói chỉ điểm... Mục tiêu ngay ngày hôm qua chúng tôi đi qua. Lập tức đã có tiếng phòng không. Điệp vội vàng báo lên cho Covey... Con ma (Phantom) lao xuống nhanh như ma. Hai tiếng nổ liền nhau dữ dội rung động, theo sau đụn khói bốc lên cùng đất bụi cây cỏ. Chiếc thứ hai bên này vẫn ung dung chờ lệnh hay xem kết quả. Bỗng nó rít lên từ trên cao, như mũi tên vừa buông xé gió thẳng xuống trong tiếng phòng không không ngớt... Ngồi đây chúng tôi đều giật mình lo lắng, nhưng rồi nó vút lên cao và cười trêu ngươi những vệt xanh, đỏ đạn phòng không theo sau. Một tiếng nổ dậy đất, tức cả ngực và luồng kình lực như vừa đi qua đây... Hắn đã sài ngay trái 500 cân Anh... Một con ma (Phantom) như đứng khựng trên bầu trời, đầu chúc xuống bắn ra tới tấp loạt đại bác vào vị trí phòng không địch rồi từ bụng ba trái bom như áo choàng của tử thần rơi xuống. Chỉ thấy tiếng bom, có lẽ khẩu phòng không đã bị loại... Như anh em sinh đôi, hai F4 nhàn nhã trước sau bay đợi lệnh. Để ý, lúc này còn thêm một chiếc Covey nữa bay trên cao hẳn... Con ma (Phantom) bay sau, tẽ xuống thẳng mục tiêu trút loạt đại bác, rồi cất lên cao. Không nghe tiếng phòng không.
Tiếng súng liên hồi hàng loạt như pháo đêm giao thừa xen lẫn những quả pháo đùng giống tiếng bass đệm ở về hướng nam... Đơn vị bộ binh đang được hỗ trợ để tấn công tiến chiếm mục tiêu địch. Cửa ngõ vào khu A sầu khó nuốt. Hai Phantom giờ đã có mục tiêu mới... Vị trí đêm qua đoàn xe đi về hướng nam.
Bom đạn lại tiếp thêm vào trận địa, nghe rải rác có tiếng pháo của cả hai phía. Trận chiến tiếp diễn với hai F100 sơn mầu rằn ri Thủy-quân-lục-chiến Mỹ. Toán chúng tôi âm thầm di chuyển tiếp tục nhiệm vụ.
Một con dốc thoải dễ chịu và những cây chồi che chắn vừa đủ, nắng gay gắt nhiều khi chiếu thẳng bỏng vai. Gió lặng, không khí hầm hập. những cụm chuối trên chín cả buồng bám theo đàn ruồi có cả ong lang lhang sài đỡ... Thầm nghĩ cứ tiếp tục thế này chúng tôi mát khá nhiều nước! Yên lặng như tờ, xung quanh yên bình...Phía trận chiến cũng hồi kết thúc trả lại bầu trời sự nguyên thủy... Một cánh rừng râm mát như thiên đường. Chúng tôi thở dốc ngồi hưởng thụ... Bầu trời lại bị khuấy động bởi tiếng trực thăng phầm phập. Trông lên, cả đoàn sáu chiếc, Kingbee cùng Cobra sơn rằn đen quen thuộc. Phút chốc chiếc Covey lóe sáng trong tầm mắt chúng tôi. Tiếng rocket và đại liên vọng lại... Họ vừa rước toán hay thả toán.

10
Từ đầu năm 1971, tôi đã thấy và thắc mắc trong lòng về trò chơi hành quân của đơn vị...Những cuộc thả hình nộm và chiếu pháo liên tiếp diễn ra song song với toán xâm nhập. Người ta đã chế ra loại tấm nhựa có những ngăn chất nổ liên kết nhau bằng hệ thống dây cháy chậm, khi kích hoạt nổ thì cũng như bánh pháo cứ tuần tự cho đến hết. To bằng cái chiếu, phải cuốn tròn, gấp lại đưa lên trực thăng rồi thả xuống một bãi trống, không quên giật ngòi nổ... Thế rồi, nghe ra giống như một trận giao tranh ngắn ngủi... SOG đang trong kế nghi binh, mà chỉ những cấp cao mới biết được chủ đích.
Buổi chiều đi mau thật, toán qua hai con đường mòn và giờ đây trước mặt ba căn nhà sàn trên lưng chừng cây... Một hồi lâu quan sát động tĩnh, toán tẽ ngang rồi thẳng vào mục tiêu. Bóng chiều vàng ệch cố rọi những tia nắng hắt vào mặt sáu nghệ nhân Lôi-hổ. Chẳng thẩm mỹ nhưng nét oai không chê vào đâu được với sáu cái bóng chính họ in dấu một bên... Một điều nữa, cách phục sức, trang bị như những thượng khách của rừng...Mà thiết nghĩ chỉ có núi rừng mới đón tiếp họ... Đêm về tiếng côn trùng gần đây rả rích, kêu than, chim đã về tổ nhưng vượn lại hú. Bên bốn tảng đá, sáu tâm hồn cô đơn cứ mãi cô đơn với chính họ và giấc ngủ cô đơn nào lại đến... Cầu cho đừng có những giật mình trong đêm.
Đêm an bình ngon giấc, cữ cà phê với điếu Capstan giữa sương bay lãng đãng. Tiếng gà gáy dồn tạo sinh động cho rừng âm u, huyền bí. Khu vực yên lặng một cách lạ kỳ... Tiếng pháo binh vẫn thăm dò nơi hướng nam. Muông thú khởi sự dạo khúc đầu chào ngày mới. Một con khỉ cao lớn lông vàng đang thống lĩnh cả đàn khỉ bé leo qua lại những tảng đá trước mặt. Nó dừng lại, ngang nhiên, chễm chệ ngồi trên đá thách thức nhìn chúng tôi. Châu ngồi gần nhất lấy hòn đá ném đuổi đi. Thật ngạc nhiên, thằng khỉ đầu đàn cũng lượm đá dưới chân ném lại chúng tôi. Chưa hết, lũ khỉ sau lưng giạt ra, túa tìm đá để ném... Cả toán vội vàng núp vào tảng đá lớn bên cạnh trong lúc những hòn đá vẫn rớt xuống lộp cộp... Sau cuộc tấn công là những tiếng khột khịt như nói chuyện với nhau... Lại một ngạc nhiên, đàn khỉ đang tranh nhau tìm chỗ núp như chúng tôi. Thế rồi như đã có thỏa thuận ranh giới... Lũ khỉ trên kia, chúng tôi ở đây.
Toán di chuyển và đã qua được hai con đường mòn, giờ đang đứng trước dẫy hấm hố bên những gốc cây. Toán ngồi trong một bụi rậm quan sát cả giờ đồng hồ. Covey cũng đã lấy bản báo cáo từ sớm... Hoàn toàn yên lặng... Tôi bàn tính một mình ra xem dấu vết nơi những hầm trú ẩn. Điệp đồng ý và toán sẵn sàng yểm trợ. Bỏ lại ba lô, tôi lum khum nhanh từ gốc cây này sang bụi rậm khác và đến được hệ thống hầm trú ẩn... Quan sát kỹ tận mắt... Tất cả còn mới, đến những bước chân trên đất còn sắc sảo chưa bị mờ, những đầu cây củi chặt bằng dao chưa bị đen vì thời gian. Tiến thoái lưỡng nan,toán quyết định ở đây nghe ngóng động tĩnh và sau ăn trưa sớm, di chuyển ngay buổi trưa để tránh bớt sinh hoạt của địch. Trong bụng cứ thắc mắc mãi sao nơi đây địch không truyền tin cho nhau bằng tiếng súng... Chính sự yên lặng đang tạo cho chúng tôi cái áp lực nặng nề có phảng phất nét sợ hãi. Toán di chuyển cách quãng từng người yểm trợ cho nhau, lúc bụi rậm, lúc gốc cây để vượt cái địa hình khó chịu này... An toàn và giờ đây cây rừng đang che chắn chúng tôi. Tiếng gió ào ào trên cây trước mặt và cơn gió lốc đang trên đầu chúng tôi, nó đi ngang và trườn nhanh như con trăn về phía sau. Châu đưa tay ra dấu dừng lại. Tôi và Điệp lên xem... Trước mặt bên tay trái ba dãy nhà chạy dài, liền nhau... Lại một căng thẳng ập đến.

11
Toán cùng nhau bàn định. Tôi bật máy gọi Covey báo cáo khẩn, rồi chúng tôi cũng tìm được một vị trí tốt để quan sát... Trung sĩ Thành và Cường nhóc gài mìn phòng thủ... Bây giờ mọi người đã ở vào vị trí chiến đấu. Tôi đổi ba lô cho Thạnh và giữ máy truyền tin. Điệp bên cạnh luôn quan sát động tĩnh.
Ba dãy nhà sàn vẫn im lìm như ba quái vật ngủ, chỉ cách vị trí toán khoảng năm mươi mét... Thầm nghĩ nếu có dấu hiệu địch quân thì toán cũng đã trốn sang đường khác để rồi đánh dấu trên bản đồ báo cáo... Ngồi lâu rồi cũng quen dần, mọi căng thẳng tự vơi đi. Ánh chiều tà xuyên ngang thấy rõ dãy nhà như trong tranh... Mãi chẳng thấy bóng người. Hàng cây bắc sàn theo ánh nắng chiều như nhiều con mắt liếc nhìn chúng tôi. Những cầu thang bằng cây rũ xuống đất ý chờ đợi... Thiếu úy Điệp hỏi ý tôi. Đợi nhá nhem tối hai người sẽ vào thám thính khu nhà. Tôi đi thông báo cho mọi người và báo mật hiệu lúc trở về là ba tiếng kêu tắc kè... Nhắc họ nhất là Trung sĩ Thành, chỉ một tiếng sau tiếng súng chạm địch, toán mới có quyền di chuyển.
Bóng tối đồng lõa đưa hai đứa đến dãy nhà an toàn. Vẻ vắng lặng rợn người, tôi có cảm giác như có ma bên trong. Cơn gió hắt cái mùi ẩm mốc đến ghê người... Đi phía sau nhà lần mò dãy thứ hai, rồi thứ ba. Hoàn toàn vắng lặng... Trở lại đi phía trước, bên cạnh một giao thông hào chạy dài đen kịt... Vậy phải xâu lắm mà ngay đầu hào có bậc thang đi xuống... Tôi thì thầm hỏi Điệp hay đây là bệnh viện mà nhiệm vụ chúng tôi phải tìm. Thiếu úy Điệp gật đầu tán thành. Chúng tôi trở về nơi toán trú ẩn.

Đêm qua đi trong tiếng súng và pháo dồn dập... Có lúc tạm yên sau đó lại bùng lên, nơi sư đoàn bộ binh hành quân... Ngồi nhìn con rồng đỏ từ chiếc C119 (Hỏa long, Spectre) và ánh hỏa châu treo trên bầu trời tỏa sáng. Toán chúng tôi ngủ đêm trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê...
Ngồi nhìn ánh trăng chỉ còn một nửa, sắp lao vào rừng cây, hắt lên vùng trời phản chiếu những bụi mây trắng bạc. Bóng mờ mờ vì sương sớm tạo cái lạnh bất ngờ bởi luồng gió từ xâu... Như thường lệ, tôi đun ca nước sôi, mắt nhìn về hướng dãy nhà nhưng mịt mù chẳng thấy. Cảm giác yên bình đến với tôi, bởi chắc chắn rằng có sự điều động mới đang diễn ra sang hướng nam của địch quân... Trên cành cây cao chùm lan rừng hồng thắm lay động theo gió và những hạt nắng sớm li ti qua kẽ lá lung linh. Tiếng quen thuộc của Covey, tôi bật máy chờ đợi... Giọng Đại úy Ginh (Trần trung Ginh) sĩ quan không thám đang gọi lập lại. Tôi chuyền ngay bức điện. Thiếu úy Điệp quyết định ở tại vị trí chờ lệnh vì nhiệm vụ đã hoàn thành, việc cuối cùng liên quan là sáng nay tôi và Điệp phải chụp cho xong những bức ảnh ba dãy nhà sàn.
Suốt cả nửa buổi sáng, giờ ánh nắng đã làm tan đi làn sương mù. Tôi và Điệp vững tin, mạnh dạn một lần nữa đột nhập... Đến được khu nhà, ngồi chờ hồi lâu. Điệp lựa một gốc cây để yểm trợ cho tôi chụp hình. Ánh nắng ban sáng thuận lợi, nếu vào buổi chiều hoặc trưa thì bóng những tàn cây cao cồ thụ sẽ làm dâm mát khu nhà... Chụp toàn cảnh,từng dãy nhà,cầu thang trước nhà, hệ thống giao thông hào phía trước, bậc thang xuống hầm... Tôi và Điệp rút êm. Trên bầu trời chiếc CH46 đang bay với tòng teng khẩu pháo vào trận... Toán ăn cơm trưa, vui vẻ hiện lên mọi gương mặt như trong buổi dả ngoại. Bức điện từ Covey được chuyển xuống. Điệp mở khóa và ra lệnh gỡ mìn di chuyển tìm bãi đáp. Nắng gay gắt, tôi nói với Châu đi vào những bóng cây lớn... Hắn cười "hết sợ rồi à" Tôi dục đi cho sớm... Trong khu vực có nhiều bãi đáp nên Covey chẳng quan tâm... Đúng vậy, gần đây chúng tôi đã tìm thấy một bãi rộng cây cỏ. núp quanh phiến đá, toán chờ trực thăng.
Ngồi chưa nóng chỗ. Covey đang trên đầu eo éo trong máy xin số nhà... Điệp đang chiếu gương.
-Chalie Romeo đây November echo, lệnh cho bạn:Toán được triệt xuất bởi chiếc Kingbee thứ hai, chiếc đầu xuống thi hành nhiệm vụ. Yêu cầu yểm trợ của bạn. Rõ, trả lời.
- November echo, rõ 5/5.
Nhìn về hướng đông, bóng trực thăng rõ dần. Chiếc Cobra dẫn đầu và chiếc kia bay ngang tầm với bốn Kingbee. Ầm ĩ cả khu vực, nơi bìa rừng bầy chim táo tác kêu lánh nạn... Châu đang phất chớp cái panel mầu vàng ấn định trong mật mã hành quân... Cobra xẹt một hàng rocket vào bìa rừng rồi bắn với loạt đại liên về phía cuối bãi. Chiếc Cobra thứ hai liền khi nhả loạt 40 ly và đại liên về mé rừng bên kia...Chiếc Kingbee ở giữa đang lù lù đáp xuống. Vừa chạm đất bóng hai người Mỹ mỗi người mỗi bọc nhảy ra đến khu đất trải vội tám nhựa như cái chiếu, cẩn thận giật chốt nổ rồi mau lẹ leo len trực thăng... Cũng vừa chiếc Kingbee thứ hai đáp xuống , đưa chúng tôi lên, trong tiếng đạn yểm trợ của Cobra. Nhìn xuống tôi chắc một điều, chỉ một thời gian đã được ấn định hẹn giờ... Như một trận đụng Biệt kích hai chiếu pháo sẽ nổ và địch tưởng rằng có Biệt kích đâu đây?!.
Trên trực thăng thầm nghĩ, gật gù: nhanh và gọn.